Nhân giống nhanh chóng các giống sắn kháng bệnh khảm lá. Kiên Giang mở biển. Hà Nội chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng hoạt động của đoàn viên thanh niên.
Nhân giống nhanh chóng các giống sắn kháng bệnh khảm lá
(Trần Phi - Trần Trung sản xuất)
Ngày 27/6, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung cho biết, những năm qua, ngành hàng sắn đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, để phát triển ngành hàng sắn, xứng tầm vị thế trong thời gian tới thì vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại cần giải quyết như việc tổ chức sản xuất sắn còn chưa bền vững: khả năng sản xuất và phạm vi sử dụng giống kháng bệnh khảm lá còn thấp...
Thứ trưởng đề nghị các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội, cùng nhau xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra giá trị kinh tế cao. Đặc biệt là vấn đề nhân giống nhanh chóng các giống sắn kháng bệnh khảm lá như HN3, HN5, HN36, HN97, HN80, HN1 để sản xuất bền vững và hiệu quả.
Kiên Giang mở biển
(Trung Chánh – Văn Vũ sản xuất)
Tại Hội nghị về thực trạng và định hướng phát triển nuôi biển tỉnh Kiên Giang đến năm 2030, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, tiềm năng nuôi biển của Kiên Giang nói riêng và Việt Nam nói chung là rất lớn, với nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Ngư trường rộng và môi trường biển của Kiên Giang thuận lợi cho phát triển nuôi biển, cả ven bờ, quanh các đảo và khơi xa. Hiện hệ thống hạ tầng, cảng ở đảo và Trung tâm nghề cá tỉnh Kiên Giang đang được triển đầu tư xây dựng sẽ tạo điều kiện cho nghề nuôi biển phát triển hiệu quả, đồng bộ.
Hội nghị nhằm đánh giá hiện trạng nuôi trồng thủy sản biển, những tồn tại, khó khăn trong công tác quản lý khu vực biển, làm cơ sở đề xuất giải pháp quản lý Nhà nước hiệu quả trong quản lý khu vực biển, thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển bền vững.
Hà Nội chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội
Đức Minh sx
Tại hội nghị triển khai “Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2025” diễn ra vào sáng nay, Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội đã ký kết chương trình, kế hoạch hợp tác phát triển công nghệ số, chuyển đổi số với nhiều cơ quan, đơn vị như:
Chương trình phối hợp “Công tác quản lý nhà nước về công nghiệp công nghệ thông tin giai đoạn 2024 - 2025” với Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông - Bộ thông tin và truyền thông. “Kế hoạch thực hiện Chương trình phối hợp về việc thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh năm 2024” với Hội Tin học - Viễn thông Hà Nội…
Theo ông Nguyễn Việt Hùng Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, đây là cơ sở để lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số phát triển, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội.
Nâng cao chất lượng hoạt động của đoàn viên thanh niên
Thảo Phương sx
Phát biểu tại Hội nghị công tác Đoàn và phong trào thanh niên 6 tháng đầu năm 2024, đồng chí Đinh Hải Đăng, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ NN-PTNT cho biết, thực hiện chủ đề Năm thanh niên tình nguyện, phong trào đoàn thanh niên 6 tháng đầu năm diễn ra sổi nổi, nhiều hoạt động tiêu biểu, ghi dấu ấn thanh niên. Đơn cử, Đoàn Bộ đã tổ chức được 03 Hội thảo, hội nghị cấp Đoàn Bộ, 12 Hội thảo, hội nghị chuyên môn nâng cao kiến thức cho đoàn viên thanh niên, tổ chức các chương trình ý nghĩa như dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Bắc Sơn, dâng hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bên cạnh đó, kết nạp Đảng viên cho 57 quần chúng ưu tú tại khu vực tượng đài Bác Hồ, xã Hiệp Lực, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, đồng chí Tạ Hồng Sơn - Bí thư Đoàn Thanh Niên Bộ NN-PTNT nhận định, 6 tháng cuối năm Đoàn Bộ sẽ có nhiều các hoạt động, sự kiện lớn, cần sự chung tay của đoàn viên thanh niên các đơn vị, chúng ta cần tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của đoàn viên thanh niên, để đáp ứng các hoạt động sắp tới, đơn cử như chiến dịch tình nguyện Hè năm 2024, thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ và các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh liệt sĩ.
TIN DỰ PHÒNG
Nghệ An có 567 sản phẩm OCOP
Việt Khánh sx
Ngày 27/6, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội thảo “Phát triển liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP năm 2024”.
Qua 6 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, hiện Nghệ An có 567 sản phẩm được chứng nhận OCOP, qua đó giúp địa phương này vươn lên đứng thứ hai cả nước, chỉ sau Hà Nội.
Mặc dù phát triển rầm rộ về mặt số lượng nhưng chất lượng các sản phẩm OCOP của Nghệ An chưa tương xứng, đa phần thiếu chiều sâu, chưa tạo được sức cạnh tranh trên thị trường.
Điều này đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó mấu chốt là các doanh nghiệp, hợp tác xã, là những chủ thể chính của chương trình gặp muôn vàn khó khăn trong việc thuê đất, vay vốn; việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất và xúc tiến thương mại còn hạn chế.
Dự và chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khẳng định: Nghệ An đã đạt được một số điểm nhấn trong quá trình thực hiện thông qua số lượng sản phẩm OCOP đứng tốp đầu cả nước. Song song với kết quả là những mặt hạn chế, địa phương phải chủ động nắm bắt để tìm phương án tháo gỡ, tạo điều kiện cho các chủ thể tích cực tham gia.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng nhấn mạnh, Chương trình mỗi xã một sản phẩm là đòn bẩy phát triển kinh tế nông thôn, muốn phát triển bền vững cần tạo ra chuỗi liên kết sản xuất giá trị.