Hơn 1 triệu thí sinh hoàn thành môn Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia. Côn Đảo thả hơn 7.200 cá thể rùa con về biển. Quảng Trị có 3.600 ha liên kết chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực. Nuôi bò quy mô hàng hóa.
Sáng nay, hơn 1 triệu thí sinh bước vào môn thi đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là môn ngữ văn, với thời gian làm bài 120 phút.
Ghi nhận tại điểm thi trường THCS Yên Hoà và trường THPT Nguyễn Tất Thành quận Cầu Giấy, Hà Nội, 9 giờ 40 thí sinh đầu tiên bước ra khỏi phòng thi tỏ ra khá thoải mái và tự tin với đề thi năm nay.
Theo em Trần Hà My - học sinh trường THPT Yên Hòa, với đề thi môn ngữ là bài thơ Đất Nước, thí sinh này khá tự tin làm bài và dự kiến đạt được trên 8 điểm.
Cấu trúc đề thi gồm có hai phần, ba câu, phần Đọc hiểu 3 điểm, phần Làm văn 7 điểm với hai câu: câu viết đoạn văn nghị luận xã hội 2 điểm, bài nghị luận văn học 5 điểm.
Chiểu nay 27/6 các em sẽ bước vào môn thi môn toán theo thể thức trắc nghiệm với thời gian làm bài là 90 phút.
Côn Đảo thả hơn 7.200 cá thể rùa con về biển
Lê Bình sx
Theo thống kê của Vườn quốc gia Côn Đảo, từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm đã đeo thẻ theo dõi cho 56 rùa mẹ lên các bãi cát của Vườn để đẻ trứng. Theo đó, có 226 tổ trứng được ghi nhận, ấp thành công và thả về biển có kiểm soát hơn 7.200 cá thể rùa con.
Từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm, có khoảng 400 - 450 cá thể rùa mẹ lên bãi đẻ trứng và hơn 150.000 rùa con được thả về biển. Có 4 loài rùa biển hay lên các bãi đẻ của Côn Đảo gồm: Rùa xanh, Đồi mồi, Đồi mồi dứa và Rùa Quản Đồng. Đây là những loài động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới, được bảo về ngiệm ngặt tại Côn Đảo.
Quảng Trị có 3.600 ha liên kết chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực
Võ Dũng sx
Thời gian qua, các mô hình, dự án liên kết “4 nhà”, “5 nhà” tại Quảng Trị được triển khai trên nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 150 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác và người sản xuất trên địa bàn, gồm: 65 mô hình của hợp tác xã, 8 mô hình của tổ hợp tác, 60 mô hình trang trại và 17 mô hình của các doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình.
Các loại nông sản sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết chủ yếu là các sản phẩm chủ lực của tỉnh với hơn 1.200 ha lúa, 1.000 ha cà phê, 1.000 ha hồ tiêu, 300 ha dược liệu, 100 ha chanh leo và các trang trại chăn nuôi gia công...
Nuôi bò quy mô hàng hóa
Văn Vũ sx
Từ năm 2021, tỉnh Sóc Trăng đã phê duyệt Dự án Phát triển chăn nuôi bò, giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030, với tổng nguồn vốn đầu tư trên 2.200 tỷ đồng.
Đến nay đã hình thành một số mô hình chăn nuôi tiêu biểu như nuôi bò thịt hướng VietGAHP, nuôi bò sữa tiêu biểu hay một số mô hình trồng cỏ tạo nguồn thức ăn thô xanh. Từ đó, góp phần thay đổi nhận thức bà con, chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi truyền thống sang hướng hàng hóa.
Ông Trần Văn Đốm, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng cho biết, Mô hình chăn nuôi bò đã hỗ trợ cho nhiều bà con là hộ đồng bào dân tộc Khmer thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu. Các hộ dân nông thôn mạnh dạn tăng quy mô đàn.Tận dụng nguồn phụ phế phẩm trong nông nghiệp, xử lý chất thải chăn nuôi, hạn chế gây ảnh hưởng môi trường.