Thanh Hoá phát triển được đàn vật nuôi đặc sản trên 2 triệu con. Cá tra Việt còn nhiều dư địa tại Vương quốc Anh. Hải Phòng có 20.000ha canh tác phù hợp sản xuất lúa - rươi. Đà Lạt dự kiến cung ứng ra thị trường tết 200 triệu cành hoa.
THANH HOÁ PHÁT TRIỂN ĐƯỢC ĐÀN VẬT NUÔI ĐẶC SẢN TRÊN 2 TRIỆU CON
Hiện, toàn tỉnh Thanh Hóaphát triển được đàn vật nuôi đặc sản khoảng 2,25 triệu con, với các đối tượng phổ biến như: lợn mán, lợn rừng, vịt Cổ Lũng, ba ba, gà Đông Cảo, thỏ, dê, nhím... với hơn 1.000 hộ được cấp phép nuôi. Nuôi các loài vật đặc sản là một trong những mô hình sinh kế bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Để duy trì, bảo tồn nguồn gen của các loại vật nuôi có nguồn gốc bản địa và phát triển bền vững đối tượngvật nuôi đặc sản, ngành nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển đối tượng con nuôi đặc sản theo định hướng và gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kỹ thuật chăn nuôi nhằm giúp người dân có điều kiện phát triển con nuôi đặc sản quy mô lớn theo định hướng thị trường.
CÁ TRA VIỆT CÒN NHIỀU DƯ ĐỊA TẠI VƯƠNG QUỐC ANH
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam – VASEP, tính đến hết tháng 10/2022, Vương quốc Anh nhập khẩu gần 272 triệu USD thuỷ sản từ Việt Nam, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, gần 60% kim ngạch xuất khẩu sang Anh là từ tôm chân trắng, cá tra chiếm 20%, tiếp đến là các sản phẩm tôm sú, cá ngừ, cá tuyết và mực. Lạm phát tại Anh liên tục tăng nóng kể từ đầu năm nay và tăng tới mức cao nhất trong 40 năm, trong bối cảnh các hộ gia đình và các doanh nghiệp phải chống chọi với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Người tiêu dùng Anh sẽ nghiêng về các sản phẩm thực phẩm giá rẻ hơn. Trong đó, các sản phẩm cá thịt trắng vẫn được ưa chuộng hơn cả. Theo thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế, nhập khẩu cá thịt trắng vào thị trường Anh trong 8 tháng đầu năm tăng 15% đạt 732 triệu USD.
HẢI PHÒNG CÓ TRÊN 20.000HA CANH TÁC PHÙ HỢP SẢN XUẤT LÚA - RƯƠI
TP Hải Phòng hiện có khoảng 2.000ha sản xuất lúa tại các vùng cửa sông, ven biển, rất thích hợp để phát triển hình thức canh tác lúa - rươi kết hợp. Mô hình canh tác kết hợp lúa - rươi mang lại giá trị rất lớn cho bà con nông dân địa phương. Ngoài thu được nguồn lợi từ rươi, những sản phẩm về gạo trồng trên cánh đồng nuôi rươi cũng được thị trường ưa chuộng và có giá bán rất cao.Theo Sở NN-PTNT TP.Hải Phòng, mô hình lúa - rươi được triển khai với 100% hữu cơ. Tuy năng suất không cao nhưng giá lúa trồng trong ruộng rươi lại khá tốt. Theo thống kê, hiệu quả sản xuất của mô hình lúa - rươi cao hơn 15 - 20 lần so với sản xuất thông thường. Đây là mô hình đặc biệt mà TP Hải Phòng đã có định hướng nhân rộng và phát triển trong thời gian tới.
ĐÀ LẠT DỰ KIẾN CUNG ỨNG RA THỊ TRƯỜNG TẾT 200 TRIỆU CÀNH HOA
Vụ hoa Tết năm nay, thành phố Đà Lạt xuống giống khoảng 850ha, tăng 100ha so với cùng kỳ năm ngoái. Thành phố dự kiến cung ứng thị trường gần 200 triệu cành hoa các loại, tăng so với cùng kỳ từ 12 – 15%.Theo các nhà vườn, giá các loại vật tư đầu vào như phân bón, thuốc BVTV và xăng, dầu, cây giống vụ hoa Tết năm nay đều tăng cao. Do vậy, việc đầu tư, sản xuất của nhiều hộ dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thời tiết thuận lợi, cây phát triển mạnh và đặc biệt thị trường có nhiều khởi sắc nên các nhà vườn đều kỳ vọng đạt nguồn thu lớn. Năm 2022, ngành nông nghiệp của Thành phố có được sự phát triển ổn định. Thu bình quân trong sản xuất nông nghiệp của Thành phố năm 2022 khoảng 470 triệu đồng/ha, riêng mô hình trồng hoa có nguồn thu trung bình từ 900 triệu đến 1,2 tỷ đồng/ha.