Thương hiệu gạo quốc gia bắt đầu từ thương hiệu doanh nghiệp. 4 loại thủy sản xuất khẩu sang Nhật Bản phải có chứng nhận khai thác. Thị phần phần cà phê Việt Nam tại Trung Quốc giảm gần 5%. Thanh Hóa thu hút hơn 36.000 tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
THƯƠNG HIỆU GẠO QUỐC GIA BẮT ĐẦU TỪ THƯƠNG HIỆU DOANH NGHIỆP
Nhằm kết nối thông tin cung cầu để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ chuỗi lúa gạo vùng ĐBSCL đến các tỉnh, thành trong cả nước cũng như xuất khẩu, sáng 19/11, Tổ điều hành Diễn đàn 970 của Bộ NN-PTNT chủ trì tổ chức “Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu chuỗi lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trần Văn Cao, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, ngành lúa gạo Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều bước chuyển mình thay đổi để hướng tới sản xuất cánh đồng mẫu lớn, chuyên nghiệp. Trong đó, ngành lúa gạo Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đã chủ động kiểm soát được các loại dịch bệnh trên cây lúa; nghiên cứu, chọn tạo được nhiều loại gạo ngon và được thị trường quốc tế công nhận như ST25; chuyển vụ sớm để thích ứng với hạn mặn...Để ngành lúa gạo nước nhà phát triển hơn nữa, các doanh nghiệp tiên phong trong xây dựng cánh đồng lớn gắn với nông dân và xây dựng thương hiệu gạo nổi tiếng cần dẫn dắt, trở thành hình mẫu cho ngành sản xuất lúa nước nhà. Qua đó, tạo dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
4 LOẠI THỦY SẢN XUẤT KHẨU SANG NHẬT BẢN PHẢI CÓ CHỨNG NHẬN KHAI THÁC
Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản vừa có công văn gửi các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu và các trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng thông báo, từ 1/12/2022, 4 loại thủy sản của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản phải có chứng nhận khai thác.Theo đó, các lô hàng thủy sản và sản phẩm thủy sản chế biến từ nguyên liệu thuộc các loài mực ống và mực nang, cá thu đao, cá thu và cá trích được khai thác/nhập khẩu sau ngày 1/12 sẽ phải kèm theo giấy chứng nhận khai thác hoặc xác nhận cam kết khi xuất khẩu vào Nhật Bản.Các cơ sở chế biến thủy sản khai thác xuất khẩu vào Nhật Bản khi có nhu cầu xác nhận cho lô hàng thủy sản chế biến từ nguyên liệu nhập khẩu được khai thác sau ngày 1/12/2022 thuộc 04 loài nêu trên để xuất khẩu vào Nhật Bản, cần lập đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT gửi về Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng thuộc Cục trên địa bàn để được thực hiện xác nhận.
THỊ PHẦN PHẦN CÀ PHÊ VIỆT NAM TẠI TRUNG QUỐC GIẢM GẦN 5%
Theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc, Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn thứ 6 cho quốc gia đông dân nhất thế giới , đạt 4,38 triệu USD trong tháng 9 năm nay, giảm 20,1% so với tháng 9 năm ngoái. Đáng chú ý, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 12% trong 9 tháng năm 2021 xuống 7,31% trong 9 tháng năm 2022.Về thị trường trong 10 tháng đầu năm nay, số liệu từ Tổng Cục Hải quan Việt Nam cho thấy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Ý, Bỉ, Nga, Tây Ban Nha, Anh tăng, ngược lại, xuất khẩu cà phê sang Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Philippines, Algeria giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
THANH HÓA THU HÚT HƠN 36.000 TỶ ĐỒNG ĐẦU TƯ VÀO LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP
Theo thông tin từ văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa, đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 212 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đầu tư gần 36.000 tỷ đồng, trong đó có 07 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư gần 3.900 tỷ đồng.Năm 2021 và 10 tháng năm 2022, toàn tỉnh Thanh Hóa thu hút được 36 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng mức đầu tư 15.912 tỷ đồng,Là địa phương có đầy đủ các đặc điểm địa hình miền núi, trung du, đồng bằng, chính là điều kiện thuận lợi để Thanh Hóa phát triển các lĩnh vực sản xuất: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp.Với diện tích tự nhiên lớn thứ 5 cả nước, nguồn lao động dồi dào, cùng với những chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, trở thành lợi thế của tỉnh này cho phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại.