Tháo dỡ gần 100ha nhà kính tại Lâm Đồng. Nông sản Việt xuất qua Đức ngày càng khó. Trung Quốc giảm nhập khẩu cà phê từ Việt Nam. Năng suất bình quân của hồ tiêu chỉ đạt hơn 2 tấn/ha/năm.
THÁO DỠ GẦN 100HA NHÀ KÍNH TẠI LÂM ĐỒNG
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, đến nay nhiều địa phương trong tỉnh đã tiến hành vận động và cưỡng chế tháo dỡ được gần 100ha các công trìnhnhà kính, nhà lưới trên đất lâm nghiệp.Theo ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng, hoạt động canh tác nông nghiệp trong nhà kính, nhà lưới đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương thức sản xuất truyền thống. Tuy nhiên, trước thực trạng phát triển nhanh chóng, thiếu khoa học của hoạt động nông nghiệp trong nhà kính, nhà lưới đã để lại những hệ lụy về môi trường cảnh quan, tăng hiệu ứng nhà kính cục bộ; hạn chế tính đa dạng sinh học.
NÔNG SẢN VIỆT XUẤT QUA ĐỨC NGÀY CÀNG KHÓ
Năm nay, Đạo luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức bắt đầu có hiệu lực với các nội dung về bảo vệ quyền người lao động trong chuỗi cung ứng toàn cầu và ngăn chặn những hành vi xâm phạm môi trường. Theo các chuyên gia, ba trọng điểm cần lưu ý ở Đạo luật này là quyền của người lao động, quản lý rủi ro và giám sát việc thực hiện sản xuất, kinh doanh bền vững.Trong đó, nông sản là một trong những nhóm hàng dễ bị ảnh hưởng nhất nên cần chú trọng vào khâu kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Thời gian qua, nhiều nông sản Việt Nam không thể trực tiếp đưa vào Đức mà thường thông qua Hà Lan, Pháp vì không đáp ứng được tiêu chuẩn của nước này.Nếu Việt Nam không kiểm soát một cách nghiêm túc vấn đề trên, việc mất thị phần là điều dễ xảy ra trước mắt. Riêng trái cây nhiệt đới, không chỉ cạnh tranh với các nước trong khu vực, Việt Nam còn chịu sức ép khi Tây Ban Nha đã trồng được chanh dây, thanh long...
TRUNG QUỐC GIẢM NHẬP KHẨU CÀ PHÊ TỪ VIỆT NAM
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương dẫn số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết, trong giai đoạn 2017 – 2022, tốc độ nhập khẩu cà phê của Trung Quốc tăng trưởng bình quân 25%/năm, đạt mức cao nhất 718 triệu USD vào năm 2022.Số liệu này cũng cho thấy, kim ngạch nhập khẩu cà phê của nước này trong năm 2022 từ Ethiopia tăng tới 209% so với năm 2021, đạt 188 triệu USD.Ngược lại, nhập khẩu cà phê từ Việt Nam trong năm 2022 giảm 11% so với năm 2021, đạt 49,63 triệu USD. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh xuống còn gần 7% trong năm 2022.Thị hiếu tiêu dùng của người dân Trung Quốc ngày càng ưa chuộng cà phê chế biến, cà phê pha chế sẵn chất lượng cao từ châu Âu, Hoa Kỳ. Trong khi đó, ngành cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê Robusta dưới dạng thô.
NĂNG SUẤT BÌNH QUÂN CỦA HỒ TIÊU CHỈ ĐẠT HƠN 2 TẤN/HA/NĂM
Giá tiêu trong nước ngày 18/2 không có biến động mới sau phiên tăng nhẹ hôm qua. Tuy nhiên, mức giá hiện tại của thị trường hồ tiêu nội địa đang tốt, cao nhất chạm mốc 65.000 đ/kg.Theo chia sẻ của nông dân trồng hồ tiêu tại Đồng Nai, vài năm trở lại đây, giá tiêu giảm mạnh, nông dân trồng tiêu liên tục gặp cảnh thua lỗ nên không có điều kiện đầu tư chăm sóc vườn tiêu.Đây là nguyên nhân khiến năng suất bình quân mỗi năm của hồ tiêu hiện chỉ đạt hơn 2 tấn/ha, giảm gần một nửa so với mức năng suất cao của cây trồng này.Bên cạnh đó, thời tiết thất thường cũng ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất của cây trồng này. Đây cũng là nguyên nhân khiến hồ tiêu đang từ cây trồng thuộc tốp đầu về lợi nhuận trở thành cây trồng ít lợi thế cạnh tranh so với nhiều mô hình sản xuất khác.