Thủ tướng gợi mở loạt giải pháp phát triển hệ thống lương thực thực phẩm. Thủ tướng tiếp Bộ trưởng Nông nghiệp Thụy Sỹ. Thiết lập mạng lưới đổi mới sáng tạo lương thực thực phẩm. Tìm giải pháp xóa bất bình đẳng trong hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu.
THỦ TƯỚNG GỢI MỞ LOẠT GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG LƯƠNG THỰC THỰC PHẨM
Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam đánh giá cao vai trò đặc biệt quan trọng của Hội nghị trong nỗ lực chung để đạt được 17 mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc để không ai bị bỏ lại phía sau.
“Để thực hiện các mục tiêu đó, việc chuyển đổi hệ thống LTTP theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững là hết sức cần thiết. Chúng ta sản xuất có trách nhiệm, tiêu thụ có trách nhiệm để đảm bảo an ninh lương thực cho toàn cầu, song đảm bảo vệ sinh môi trường, sức khỏe cho người dân”.
Do đó, cần xây dựng thể chế cho phát triển nông nghiệp bền vững, có trách nhiệm. Ứng dụng công nghệ số, công nghệ chế biến sau thu hoạch, quản trị chuỗi cung ứng ngành hàng.
Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp, đầu tư khoa học công nghệ để cải tiến giống thông qua lai tạo; nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng vật nuôi, phát triển nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, theo hướng tuần hoàn để bảo vệ môi trường.
THỦ TƯỚNG TIẾP BỘ TRƯỞNG NÔNG NGHIỆP THỤY SỸ
(Duy Học)
Trước đó, tại buổi tiếp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thụy Sỹ, Thủ tướng đánh giá cao Thụy sĩ với vai trò của nước đồng sáng lập Hội nghị này, nhằm thúc đẩy chuyển đổi hệ thống Lương thực thực phẩm theo hướng bền vững hơn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thụy Sĩ Christian Hofer nhận định, lương thực thực phẩm và nông nghiệp không chỉ xoay quanh vấn đề ăn uống, tiêu thụ mà còn liên quan đến an ninh kinh tế toàn cầu.
Ông Christian Hofer cho rằng, cần thúc đẩy hợp tác nhiều hơn nữa để hướng tới một tương lai đầy đủ, đảm bảo an ninh lương thực cho mỗi quốc gia và cho toàn cầu.
Thiết lập mạng lưới đổi mới sáng tạo lương thực thực phẩm
Nằm trong khuân khổ Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống Lương thực thực phẩm, Chiều 24/4, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã có buổi tiếp và làm việc với Giám đốc điều hành Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc - UNIDO, ông Gunther Beger. Đánh giá cao vai trò của UNIDO trong việc chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật trong lĩnh vực chế biến và bảo quản sau thu hoạch cho nông sản Việt Nam.Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất UNIDO tiếp tục các hỗ trợ kỹ thuật cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chuyển giao công nghệ xanh, kinh tế tuần hoàn và nâng cao năng lực trong việc tuân thủ tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, cùng phối hợp tích cực với Bộ NN-PTNT triển khai tìm kiếm nguồn lực tài trợ để triển khai Mạng lưới đổi mới sáng tạo lương thực thực phẩm. Ghi nhận những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về hệ thống lương thực, thực phẩm, ông Gunther Beger cho biết, UNIDO cam kết sẽ cùng với Chính phủ Việt Nam thông qua nỗ lực chuyển đổi ngành nông nghiệp một cách có hệ thống với tư cách là một nhà cung ứng có trách nhiệm trong chuỗi cung ứng toàn cầu bằng việc thông qua nguyên tắc kinh doanh có trách nhiệm và thiết lập Mạng lưới Sáng kiến Lương thực, thực phẩm.
BẤT BÌNH ĐẲNG TRONG HỆ THỐNG LƯƠNG THỰC THỰC PHẨM TOÀN CẦU
Phát biểu tại phiên họp thứ 2 nằm trong khuôn khổ Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững, diễn ra chiều 24/4, ông Jamie Morrison (Cố vấn cấp cao, Liên minh Toàn cầu về Cải thiện chế độ Dinh dưỡng (GAIN) cho biết:
Liên quan tới kiến trúc toàn cầu về hệ thống lương thực, thực phẩm, Hội nghị đã đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp tối ưu để mỗi quốc gia có thể ứng dụng phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và trình độ phát triển sản xuất của mình, đồng thời đảm bảo phù hợp với kiến trúc toàn cầu. Bên cạnh đó, ông Jamie cho rằng, kiến trúc hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu cần cụ thể hóa bằng các kế hoạch hành động, chiến lược quốc gia.
Trong chiều nay cũng đã diễn ra phiên họp thứ 3 về việc “Rà soát các chính sách và quản trị quốc gia và địa phương”. Theo bà Corinna Hawkes, Giám đốc Hệ thống Thực phẩm và An toàn thực phẩm (FAO), hiện nay đang tồn tại sự mất cân bằng, bất bình đẳng trong hệ thống lương thực, thực phẩm. Điển hình như 1/3 phụ nữ đang lao động trong hệ thống có mức lương thấp hơn nam giới. Ngoài ra, mức phát thải trong hệ thống lương thực, thực phẩm tại các nước cũng có sự mất cân bằng…
Đại diện FAO cho rằng, giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề này là phải trao cơ hội, thu thập ý kiến, đổi mới sáng tạo, lắng nghe suy nghĩ quan điểm của những người yếu thế và những đơn vị liên quan trong hệ thống lương thực, thực phẩm.