Thông tin kết quả sản xuất thương mại vacxin Dịch tả heo Châu Phi. ThaiBinh Seed tri ân khách hàng dịp kỷ niệm 50 năm thành lập. Nhãn sông Mã chín sớm giá cao gấp 3 lần chính vụ. Làm chủ công nghệ sản xuất giống cá chim vây vàng bằng hệ thống lồng HDPE.
THÔNG TIN KẾT QUẢ SẢN XUẤT THƯƠNG MẠI VACXIN DỊCH TẢ HEO CHÂU PHI
Sáng 1/6, Bộ NN-PTNT tổ chức họp báo thông tin kết quả nghiên cứu, sản xuất vắc xin dịch tả heo châu phi.
Theo đó, ngày 3/6 tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chính thức tổ chức lễ công bố Vắc xin dịch tả heo châu Phi có tên thương mại NAVET-ASFVAC do Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương Navetco nghiên cứu và sản xuất.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, việc Việt Nam sản xuất thành công thương mại vắc xin dịch tả heo châu phi là sự kiện lịch sử với ngành chăn nuôi nước nhà.
Đặc biệt, bệnh Dịch tả heo châu phi vẫn đang xảy ra tại nhiều nước trên thế giới, trong khi đến thời điểm này chưa có quốc gia nào công bố sản xuất thành công vắc xin thương mại, nên dư địa xuất khẩu vắc xin dịch tả heo châu phi được sản xuất tại Việt Nam sang các nước là rất lớn trong thời gian tới.
Ngoài Navetco đã sản xuất thương mại thành công, hiện còn có Công ty AVAC và Tập đoàn Dabaco Việt Nam cũng đang trong quá trình cuối cùng hoàn thiện quy trình sản xuất thương mại vacxin dịch tả heo Châu Phi.
THAIBINH SEED TRI ÂN KHÁCH HÀNG DỊP KỶ NIỆM 50 NĂM THÀNH LẬP
Sáng 1/6, Tập đoàn ThaiBinh Seed tổ chức Hội nghị tri ân khách hàng năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập.
Hội nghị có sự tham gia của 320 khách hàng là các đại lý cấp 1,2,3 tại 32 tỉnh thành phía Bắc và 17 tỉnh Phía Nam.
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn ThaiBinh Seed chia sẻ: Nếu không có sự đồng hành, ủng hộ của các đại lý, người nông dân ở các tỉnh thành trong cả nước, ThaiBinh Seed sẽ không thể có sự phát triển mạnh mẽ như hiện nay, và thực hiện được lời hứa “đồng hành với người nông dân mới”.
Hiện tập đoàn đã mở rộng hoạt động trên 3 lĩnh vực chính là giống cây trồng, kinh doanh lương thực, thương mại dịch vụ, với 12 Chi nhánh, đơn vị thành viên trên toàn quốc, 52% lao động có trình độ từ đại học trở lên.
Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thiên tai, giá vật tư đầu vào tăng cao, tuy nhiên với sự nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đọa và người lao động toàn, tập đoàn vẫn đạt doanh thu khoảng 650 tỷ đồng; lợi nhuận tăng 21% so với năm 2011.
NHÃN SÔNG MÃ CHÍN SỚM GIÁ CAO GẤP 3 LẦN CHÍNH VỤ
Khoảng 2 tháng nữa nhãn chính vụ mới cho thu hoạch, nhưng tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, nhiều hộ dân đã bắt đầu thu hoạch nhãn chín sớm nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, điều khiển nhãn ra hoa, đậu quả trước thời vụ.
Theo các thương lái, nhãn chín sớm có chất lượng cao và được thu mua tại vườn với giá 60.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần chính vụ.
Huyện Sông Mã hiện có hơn 7.500 ha diện tích trồng nhãn, trong đó có khoảng 300 ha nhãn chín sớm, tập trung ở các xã Chiềng Khoong, Chiềng Khương và Nà Nghịu…
Ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sông Mã cho biết, sản phẩm nhãn chín sớm có giá cao gấp 2 -3 lần nhãn chính vụ. Toàn huyện phấn đấu đến năm 2030 có gần 1.000 ha nhãn chín sớm.
LÀM CHỦ CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT GIỐNG CÁ CHIM VÂY VÀNG BẰNG HỆ THỐNG LỒNG HDPE
Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 cho biết, hiện đơn vị đang sở hữu đàn cá chim vây vàng giống gốc quý hiếm trên vịnh Vân Phong.
Đàn cá bố mẹ đang được nuôi lưu giữ bằng hệ thống 22 lồng nuôi HDPE hiện đại cũng do chính Viện 1 tiên phong nghiên cứu.
Trước đó, từ năm 2018, Viện 1 đã được Tổng cục Thủy sản giao nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm công ích giống gốc giống thủy sản cá chim vây vàng.
Đến nay, đơn vị đang nuôi giữ 232 cặp bố mẹ cá chim vây vàng trên vịnh Vân Phong. Đàn cá bố mẹ có nguồn gốc từ tuyển chọn trong các nhiệm vụ nghiên cứu trước đây của Viện và có bổ sung thêm từ các quần thể đàn tự nhiên. Nhờ chăm sóc tốt nên đàn cá bố mẹ nuôi tại đây sinh trưởng và phát triển đồng đều, trọng lượng trung bình đạt từ 4-6 kg/con.