Thu nhập của hộ dân tham gia trồng cà phê cảnh quan bền vững tăng 20%. Xây dựng phương án tiêu thụ 1,2 triệu tấn trái cây đến kỳ thu hoạch. Nhập khẩu gỗ nguyên liệu giảm cả sản lượng lẫn giá trị. Giá rau ĐBSCL tăng 1.000 - 3.000 đồng/kg.
Sáng 14/4, UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) tổ chức cuộc họp thường niên Ban chỉ đạo Chương trình Cảnh quan Bền vững tỉnh Lâm Đồng. Theo IDH, tính đến hết năm 2021, hơn 10.000ha đất nông nghiệp và 9.000 nông hộ đã được hỗ trợ sản xuất bền vững, 100% diện tích rừng trong khu vực thí điểm được bảo vệ và phục hồi, thu nhập của các nông hộ tham gia cà phê cảnh quan tăng 20% thu nhập nhờ đa dạng hoá cây trồng và sử dụng hiệu quả vật tư đầu vào, qua đó giảm 14% lượng phân bón hóa học và 60% phát thải khí các bon. giai đoạn 2021-2025, chương trình đặt mục tiêu mở rộng quy mô tác động trực tiếp lên toàn bộ hai huyện Di Linh và huyện Lạc Dương với tổng diện tích hơn 52.000ha đất nông nghiệp canh tác cây cà phê cảnh quan và các cây trồng xen chủ lực.
XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN TIÊU THỤ 1,2 TRIỆU TẤN TRÁI CÂY ĐẾN KỲ THU HOẠCH.
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng quý II năm 2022 tại các địa phương vùng Nam Bộ với tám loại cây ăn quả chính gồm (thanh long, chuối, xoài, mít, bưởi, cam, dứa, sầu riêng) là 1,2 triệu tấn. Trong đó vùng Đông Nam Bộ là gần 247 nghìn tấn, đồng bằng sông Cửu Long khoảng 943 nghìn tấn. Đây là sản lượng vô cùng lớn, nếu không có giải pháp kịp thời trong khâu tiêu thụ rất có khả năng các nhà vườn tiếp tục gặp cảnh "được mùa, mất giá". Do vậy, các địa phương cần vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách, đầu tư nguồn lực, đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng đầu vào cho sản xuất. Các tỉnh, thành cũng cần xác định cụ thể diện tích từng loại cây thông qua việc quản lý vùng trồng gắn với việc xây dựng hệ thống thu mua, chế biến,…Hạn chế tối đa tình trạng người dân ồ ạt mở rộng diện tích khi giá cao rồi lại phá bỏ nhanh chóng khi rớt giá.
NHẬP KHẨU GỖ NGUYÊN LIỆU GIẢM CẢ SẢN LƯỢNG LẪN GIÁ TRỊ
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu gỗ nguyên liệu 3 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam đạt 1,204 triệu m³, trị giá 453,4 triệu đô la, giảm 33,6% về lượng và giảm gần 18% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giới chuyên gia dự báo, nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục giảm do nguồn cung hạn chế, chi phí logistic tăng cao.
Trong bối cảnh nguồn cung nguyên liệu từ nhập khẩu bị suy giảm, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ đưa ra các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích việc trồng rừng gỗ lớn, thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ trồng rừng nhằm tạo nguồn gỗ lớn có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu.
GIÁ RAU ĐBSCL TĂNG 1.000 – 3.000 ĐỒNG/KG
Giá nhiều loại rau màu tại ĐBSCL hiện tăng từ 1.000-3.000 đồng/kg so với cách nay hơn 2 tuần. Cụ thể, rau muống, cải ngọt, bí đao, bầu được nông dân bán cho thương lái từ 6.000-8.000 đồng/kg, trong khi trước đây giá chỉ 4.000-5.500 đồng/kg. Bắp cải, dưa leo, đậu bắp từ mức 5.000-6.000 đồng/kg, nay cũng tăng lên 7.000-9.000 đồng/kg. Cải xà lách, rau quế có giá 10.000-12.000 đồng/kg; Nguồn cung giảm do thời gian qua người dân tại nhiều nơi giảm diện tích trồng rau màu và chưa tới kỳ thu hoạch. Bên cạnh đó, giá tăng còn do chi phí sản xuất tăng, thời tiết lại mưa nắng thất thường làm giảm năng suất, sản lượng.