Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Đắk Nông cần tính toán kịch bản vỡ đập Đắk N’ting. Anh thiếu hụt nguồn cung gạo do Ấn Độ ngừng xuất khẩu. Đồng Tháp: Sản xuất sen gắn với du lịch sinh thái. Thanh Hóa: Hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Đắk Nông cần tính toán kịch bản vỡ đập Đắk N’ting
Sáng 7/8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đoàn công tác Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai kiểm tra và làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông về tình trạngngập lụt, sạt lở. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã cùng đoàn kiểm tra công trình thủy lợi Đắk N’ting. Đây là công trình hư hỏng nặng, có nguy cơ bị vỡ đập. Sau khi kiểm tra, đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông. Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông mưa lớn nhiều ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề cho địa phương, làm 2 người chết, ngập, ảnh hưởng 192 căn nhà; ngập úng khoảng 650 ha cây trồng các loại; hơn 200 ha thủy sản. Các địa phương đã phải thực hiện di dời 283 hộ dân tại các điểm bị sụt lún, sạt trượt đến nơi an toàn. Ước thiệt hại trên 250 tỷ đồng. Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu Đắk Nông cần công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai. Theo Thứ trưởng Hiệp, khi công bố khẩn cấp thì sẽ có phương án, giải pháp khẩn cấp để xử lý các tình huống. Địa phương cần đảm bảo an toàn tính mạng người dân trước rồi bàn đến các vấn đề khác. Đối với hồ chứa Đắk N’ting, cần tính toán lại kịch bản vỡ đập, cần các giải pháp để tìm nguyên nhân và đưa ra phương án xử lý.
Anh thiếu hụt nguồn cung gạo do Ấn Độ ngừng xuất khẩu
Minh Phúc khai thác
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Anh, gạo Việt Nam đang có cơ hội lớn để mở rộng thị phần tại Anh khi Ấn Độ - nhà xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường này - ngừng xuất khẩu gạo. Với cộng đồng hơn 5,5 triệu người gốc Á, nhu cầu tiêu dùng gạo tại Anh rất lớn trong khi Anh hoàn toàn không trồng lúa, toàn bộ nhu cầu tiêu dùng đều phải nhập khẩu. Năm 2021, Anh nhập gần 652.000 tấn gạo, trị giá gần 575 triệu USD. Năm 2022, nhập khẩu gạo tăng 4,1% lên hơn 678.000 tấn, trong khi giá trị nhập khẩu tăng 7% lên hơn 603 triệu USD. Ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết, mặc dù xuất khẩu gạo Việt Nam sang Anh tăng trưởng tốt trong những năm gần đây, Việt Nam chỉ chiếm thị phần khiêm tốn tại thị trường tiềm năng này. Việc Ấn Độ đột ngột dừng xuất khẩu sẽ tạo ra thiếu hụt nguồn cung khoảng 75.000 tấn gạo tại Anh trong nửa cuối năm 2023.
Đồng Tháp: Sản xuất sen gắn với du lịch sinh thái
Văn Vũ sx
Thực hiện dự án của Trung tâm khuyến nông quốc gia về xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị năm 2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Nước sạch nông thôn Đồng Tháp thực hiện mô hình sản xuất sen lấy hoa và hạt gắn với phát triển du lịch với quy mô 9ha, tại Tổ hợp tác Sen Lê Bo xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh. Tham gia mô hình nông dân được hỗ trợ 50% giống sen, 100% chi phí về đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền. Ông Lê Quốc Điền - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp đang tập trung đầu tư để phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sen tập trung với diện tích khoảng 1.200ha, tạo vùng nguyên liệu phục vụ cho một số ngành nghề liên quan như công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ và phát triển thêm những sản phẩm OCOP từ nguyên liệu sen.
Thanh Hóa: Hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất
Quốc Toản sx
Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho biết, trên địa bàn toàn huyện có 261 hộ dân thuộc 3 bản gồm bản Yên Bình, bản Xắng Hằng, xã Yên Khương và thôn Húng, xã Giao Thiện) đang thiếu đất sản xuất. Phần lớn các hộ dân tại các bản nói trên đều là đồng bào các dân tộc thiểu số, thuộc diện hoàn cảnh khó khăn. Đây là những hộ dân đang sinh sống trên diện tích đất quy hoạch rừng phòng hộ, sản xuất thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh và đất do Đồn Biên phòng Yên Khương quản lý. Không có đất canh tác, nuôi trồng, cuộc sống hàng ngày của họ sống phục thuộc và việc khai thác, thu nhặt lâm sản chăn nuôi nhỏ lẻ. Trước thực tế trên, UBND huyện Lang Chánh đề xuất cơ quan có thẩm quyền giao một phần diện tích đất rừng phòng hộ cho địa phương quản lý để bố trí đất cho các hộ dân sản xuất.