Thủ tướng: Khoa học công nghệ và hạ tầng là chìa khóa phát triển. Trồng dưa lê, dưa hấu cho thu nhập 200 - 300 triệu đồng/năm. Khoảng 6.500 hộ dân Trần Đề gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Nghêu Bến Tre đạt tiêu chuẩn chứng nhận MSC.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vưa đến thăm hỏi bà con nông dân đang lao động trên cánh đồng dứa nguyên liệu của Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao – Doveco tại Ninh Bình. Thủ tướng đã biểu dương thành công của công ty trong sản xuất, kinh doanh và đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho lực lượng lao động. Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cũng đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của anh chị em công nhân và nông dân. Thủ tướng mong muốn Doveco sẽ tiếp tục phát triển, nâng cao hơn nữa đời sống của người lao động.
Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu bật vai trò của ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, ví dụ như thay đổi giống, phương pháp canh tác. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị Doveco và tỉnh Ninh Bình chú ý phát triển cơ sở hạ tầng. Bởi, đây là nền tảng để cơ giới hóa, đưa máy móc vào đồng ruộng, nâng cao năng suất lao động.
Thời gian qua, thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) đã tích cực vận động người dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dưa lê, dưa hấu. Đến nay, thị xã có hơn 33 ha trồng dưa lê, dưa hấu trên đất ruộng, tập trung nhiều ở các xã Thanh Lương, Thạch Lương, Phù Nham và Sơn A.
Theo đánh giá của bà con, cứ 1.500 m2 trồng dưa lê, dưa hấu sẽ cho thu hoạch khoảng 3 tấn quả/vụ. Với giá bán từ 10.000 – 12.000 đồng/kg, bà con có thể thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm, cao hơn 3 – 4 lần trồng lúa. Dưa lê và dưa hấu là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc; thời gian sinh trưởng ngắn, từ lúc trồng đến lúc thu hoạch chỉ 70 ngày. Do đó, người nông dân có thể luân chuyển nhiều vụ trong năm. Chất lượng quả dưa có vị ngọt mát, nên được người tiêu dùng yêu thích. Hiện, Nghĩa Lộ đang tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng và giá trị thu nhập.
Khoảng 6.500 hộ dân Trần Đề gặp khó khăn về nước sinh hoạt
Văn Vũ - Sx
Toàn huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) hiện có khoảng 6.500 hộ thiếu hụt nước dù đã có tuyến ống dẫn nước đi qua. Còn tại khu vực chưa có đường ống dẫn nước, số hộ thiếu nước sinh hoạt là khoảng 1.462 hộ, tập trung chủ yếu tại các xã: Thạnh Thới An, Lịch Hội Thượng, Liêu Tú và Trung Bình.
Theo ông Trịnh Văn Bé, Phó chủ tịch UBND huyện Trần Đề, địa phương này có 6 xã không thể khoan giếng nước ngầm, và đây đang là áp lực rất lớn mỗi khi mùa hạn về. Năm nay hạn mặn gay gắt, nước mặt trên sông rạch cạn kiệt, những ao mương người dân chủ động trữ ngọt cũng dần trơ đáy. Vì vậy, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chuyên môn đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là tại những nơi người dân không thể chủ động được nguồn nước sinh hoạt.
Nghêu Bến Tre đạt tiêu chuẩn chứng nhận MSC
Minh Phúc - Khai thác
Ngày 28/5, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết, nghề sản xuất, quản lý và khai thác nghêu Bến Tre đã được Hội đồng Quản lý Biển quốc tế công nhận đạt tiêu chuẩn chứng nhận MSC.
Theo đó, thời gian chứng nhận từ 23/5/2024 đến 22/5/2029. Đây là lần thứ ba nghề quản lý và khai thác nghêu Bến Tre đạt chứng nhận này.
MSC là chứng nhận do Hội đồng Quản lý Biển Quốc tế cấp cho “một đơn vị nghề cá” khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản tự nhiên, có giá trị như một “giấy thông hành” bảo đảm phát triển thủy sản an toàn và là thương hiệu bảo hộ cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam.
TIN DỰ PHÒNG
Xuất khẩu gỗ 5 tháng đầu năm đạt hơn 6 tỷ USD
Quang Dũng – Khai thác
Nếu như năm ngoái xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam giảm sâu ở hầu hết các thị trường thì từ đầu năm đến nay, xuất khẩu ngành hàng này đã có nhiều tín hiệu khả quan. Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nước ta ước đạt hơn 6 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngành gỗ Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu đến 170 quốc gia trên thế giới, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và ngày càng hiện diện nhiều hơn tại các thị trường mới nổi như Trung Đông, Ấn Độ... Năm 2024, ngành gỗ và sản phẩm gỗ đặt mục tiêu phấn đấu giá trị xuất khẩu là trên 14,2 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với năm ngoái.