Chỉ nhận mức lương khoảng 2 triệu đồng/tháng, cường độ làm việc lớn, nhân viên thú y xã còn liên tục đối mặt với nhiều nguy hiểm.
Thú y cơ sở: Khó khăn chồng chất khó khăn
Anh Trần Văn Cường, nhân viên thú y xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên đã có thâm niên hơn 10 năm trong nghề. Một thập kỷ làm công tác thú y, anh Cường và đồng nghiệp luôn gặp phải muôn vàn khó khăn khi dân cư trên địa bàn thưa thớt, địa hình chủ yếu là đồi núi đá vôi, nhân viên thú y đi tiêm phòng chỉ có thể di chuyển bằng xe máy, thậm chí phải chuyển sang đi bộ, vượt núi để tiết kiệm thời gian.
Tính cả cộng tác viên, lực lượng thú y xã Lâu Thượng chỉ có 3 người phải phụ trách địa bàn rộng 34 km². Nhân lực mỏng, cộng với việc chuẩn bị của các hộ dân chưa tốt, khiến việc tiêm vacxin, thăm khám trên đàn vật nuôi tốn nhiều thời gian.
Anh TRẦN VĂN CƯỜNG - Nhân viên thú y xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên
"Chuồng trâu đây chẳng hạn, trân không có sẹo nên để tiêm được bầy trâu này thì cũng rất vất vả, nhiều thời gian. Đặc biệt, tiêm phòng dại cho thì cái nguy hiểm đến nhân viên, anh em rất là lớn. Có thể con chó người ta giữ không đảm bảo là nó quay lại cắn mình. Co bò chẳng hạn, nó hay đá ngang, mà nếu như gia cố không tốt là nó đá vào người rồi, đã phải đau chân mất một thời gian"
Công việc vất vả, nguy hiểm là thế, nhưng chế độ đãi ngộ cho nhân viên thú y cơ sở vẫn được đánh giá chưa tương xứng. Là lao động chính trong gia đình 3 nhân khẩu, với mức lương hơn 2 triệu đồng một tháng, anh Cường phải làm ruộng và chăn nuôi để có đủ tiền nuôi con nhỏ.
Anh TRẦN VĂN CƯỜNG - Nhân viên thú y xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên
''Tôi được có 1 phẩy 26, được hơn 2 triệu thôi. Rất mong các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa đến phụ cấp cho anh em, vì công việc rất vất vả và đặc thù".
Cũng có hơn 10 năm gắn bó với ngành thú y, anh Vi Văn Dương, cộng tác viên thú y xã Lâu Thượng cũng chỉ nhận mức phụ cấp gần 1 triệu đồng mỗi tháng.
Anh VI VĂN DƯƠNG - Cộng tác viên thú y xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên
"Phụ cấp thấp quá nên nhiều khi việc trang trải cho gia đình và trong cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, vì công việc nên chúng tôi vẫn tham gia đầy đủ, làm rất tốt cho bà con từ tiêm phòng tới các việc tiêu hủy, phải bỏ thời gian gia đình để đi làm, sau đó mới đi làm thêm''.
Bà ĐẶNG THỊ HIẾU - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Võ Nhai, Thái Nguyên
"Hiện nay đối với lực lượng thú y cơ sở thì mức phụ cấp rất là thấp, mong muốn trong thời gian tới có chế độ đãi ngộ và đặc thù ngành đối với các đồng chí thú y đi tiêm, vì trong các trường hợp tiêm phòng cũng xảy ra rủi ro cao. ví dụ như tiêm phòng bệnh dại, tiêm phòng đại gia súc".
Cán bộ thú y cơ sở luôn được coi là “cánh tay nối dài” của ngành chăn nuôi, có vai trò quan trọng trong công tác tham mưu phòng, chống và khống chế dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Cùng với sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ngày càng diễn biến phức tạp, cán bộ thú y cơ sở phải làm việc ở môi trường luôn tiềm ẩn nguồn lây bệnh, trong khi chế độ, thu nhập, các chính sách đãi ngộ khác chưa đảm bảo, khiến cho nỗi vất vả ngày càng lớn.
Lực lượng thú y huyện Võ Nhai đều chung mong muốn cơ quan có thẩm quyền có phương án tăng mức phụ cấp và nghiên cứu cơ chế hỗ trợ đặc thù cho nhân viên thú y cơ sở để tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi địa phương ngày càng phát triển bền vững.