| Hotline: 0983.970.780

Chạy nước rút phủ vacxin đàn vật nuôi

Thứ Tư 22/11/2023 , 14:31 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Tiến độ tiêm vacxin đợt 2 cho đàn vật nuôi trên địa bàn Võ Nhai hiện đạt trên 80% kế hoạch, huyện đang tiêm bổ sung gia súc mang thai hoặc chưa đủ tuổi.

Nhân viên thú y xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai tiêm vacxin trên đàn bò. Ảnh: Quang Linh.

Nhân viên thú y xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai tiêm vacxin trên đàn bò. Ảnh: Quang Linh.

Thực hiện chỉ đạo của ngành NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên, huyện Võ Nhai đã triển khai tiêm phòng vacxin đợt 2 năm 2023 cho đàn vật nuôi trên địa bàn từ ngày 11/9. Trong đợt này, huyện thực hiện tiêm 7.000 liều vacxin lở mồm, long móng; 5.000 liều vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục; 3.160 liều vacxin phòng bệnh tụ huyết trùng ở trâu, bò; 8.500 liều vacxin phòng bệnh tả; 6.500 liều vacxin phòng bệnh tụ dấu trên lợn; 20.000 liều vacxin phòng bệnh cúm gia cầm; 6.000 liều vacxin phòng bệnh dại; 600 lít hóa chất cho các xã, thị trấn để khử trùng, tiêu độc...

Đến nay, tiến độ tiêm vacxin cho đàn gia súc trên địa bàn huyện Võ Nhai đạt trên 80% kế hoạch được giao. Trong quá trình thực hiện, một số con gia súc mang thai hoặc chưa đến tuổi tiêm phòng, ngành chuyên môn sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thành tiêm bổ sung để phòng chống dịch bệnh trong tháng cuối năm. Dự kiến hoàn thành trong tháng 11.

Bà Đặng Thị Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Võ Nhai trả lời phỏng vấn Báo Nông nghiệp Việt Nam về tiến độ tiêm vacxin trên vật nuôi. Ảnh: Quang Linh.

Bà Đặng Thị Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Võ Nhai trả lời phỏng vấn Báo Nông nghiệp Việt Nam về tiến độ tiêm vacxin trên vật nuôi. Ảnh: Quang Linh.

Hiện, tổng đàn vật nuôi toàn huyện Võ Nhai không hề nhỏ, song chủ yếu chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, khó áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học nên nguy cơ bùng phát, lây lan các loại dịch bệnh truyền nhiễm như lở mồm long móng, cúm gia cầm là rất cao.

Vì vậy, việc tiêm vacxin đầy đủ, theo dõi sát diễn biến dịch bệnh để phát hiện, phòng chống kịp thời là giải pháp tối ưu để bảo vệ đàn vật nuôi, ổn định sản xuất, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán 2024.

Theo bà Đặng Thị Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Võ Nhai, để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi, bên cạnh việc hoàn thành tiêm vacxin, trung tâm cũng chỉ đạo cán bộ thú y tăng cường công tác quản lý động vật giết mổ, nhập đàn và kê khai vật nuôi.

Anh Nguyễn Văn Tùng chủ động cột sẵn bò để việc tiêm vacxin không tốn nhiều thời gian. Ảnh: Quang Linh.

Anh Nguyễn Văn Tùng chủ động cột sẵn bò để việc tiêm vacxin không tốn nhiều thời gian. Ảnh: Quang Linh.

Rút kinh nghiệm từ một số hộ chăn nuôi bùng phát bệnh viêm da nổi cục vào tháng 8 vừa qua, anh Nguyễn Văn Tùng, xóm Đất Đỏ, xã Lâu Thượng (huyện Võ Nhai, Thái Nguyên) đã chủ động đăng ký với lực lượng thú y cơ sở tiêm phòng cho đàn gia súc, đảm bảo đàn bò 35 con của gia đình đều được tiêm vacxin. Đồng thời, anh Tùng thực hiện vệ sinh chuồng trại theo hướng dẫn của cán bộ thú y.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Võ Nhai nhận định, trong phòng chống bệnh viêm da nổi cục, tiêm vacxin phòng bệnh là giải pháp hiệu quả nhất nhất, chỉ có tiêm phòng đầy đủ mới kiểm soát được dịch bệnh. Minh chứng là số trâu bò đã tiêm phòng trong năm 2022 và đợt 1 năm 2023 đều sinh trưởng và phát triển tốt.

Để hoàn thành kế hoạch tiêm vacxin từ nay tới cuối năm, huyện Võ Nhai huy động tối đa lực lượng thú y cơ sở. Tuy nhiên, do giao thông trên địa bàn huyện Võ Nhai còn hạn chế, nên việc đi lại để tiêm phòng giữa các hộ gặp nhiều khó khăn.

“Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là chủ yếu, đôi lúc hẹn lịch tiêm nhưng tới nhà lại không có ai. Để tiêm nhanh người dân phải nhốt hoặc buộc gia súc cố định trước, nhân viên thú y tới chỉ việc tiêm. Nhưng nhiều nhà thấy cán bộ thú y tới mới lùa, nhốt động vật lại khiến quá trình tiêm tốn nhiều thời gian”, ông Trần Văn Cường, nhân viên thú y xã Lâu Thượng cho hay.

Song song với việc tiêm phòng, lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Võ Nhai khuyến cáo người dân cần thường xuyên khử trùng, tiêu độc chuồng trại để diệt mầm bệnh, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và giữ ấm chuồng trại trong các đợt rét. Khi phát hiện gia súc có dấu hiệu mắc bệnh, bà con cần báo cho cơ quan chuyên môn để kịp thời xử lý.

Cùng với huyện Đồng Hỷ và TP. Sông Công, khoảng tháng 8/2023, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xảy ra tại 4 hộ dân tại 3 xã Thượng Nung, Cúc Đường và Vũ Chấn của huyện Võ Nhai với 6 con bò mắc bệnh. Trong đó, 1 con bò có trọng lượng 175kg đã chết và bị tiêu hủy. Nguyên nhân xảy ra dịch bệnh được xác định do người dân còn chủ quan, không thực hiện tiêm vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Trường Sơn Bio tái tạo nông nghiệp sạch vì sức khỏe cộng đồng

ĐBSCL Mục tiêu của TSBIO giúp tái sinh nền đất, cải tạo môi trường nông nghiệp, sản sinh ra các sản phâm nông nghiệp hữu cơ, không còn tồn dư của các loại thuốc BVTV.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất