Thừa Thiên - Huế cần mạnh tay, quyết liệt chống IUU. Xuất khẩu hơn 9.600 tấn vải thiều qua cửa khẩu quốc tế Kim Thành. Mận hậu Sơn La được đưa vào thực đơn phục vụ của Vietnam Airlines. Thị phần cao su Việt Nam đang bị thu hẹp tại Hàn Quốc.
Ngày 7/6, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra hình triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định chống IUU tại tỉnh Thừa Thiên – Huế.Toàn tỉnh hiện có 679 tàu cá đã đăng ký, trong đó có 430 trong tổng số 434 tàu cá xa bờ có chiều dài 15 mét trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS).Theo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, đến nay, địa phương chưa có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và bị xử phạt hành chính. Sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, đối với tàu cá có chiều dài trên 24m đã kiểm soát 100%, còn đối với tàu 15m đến dưới 24m đạt trên 5% và tàu cá nghề giã cào xấp xỉ đạt 20%...Tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, tỉnh Thừa Thiên – Huế cần thực hiện các biện pháp mạnh, đồng bộ, quyết liệt về chống IUU; kiên quyết không cho các tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biển nếu không đảm bảo theo quy định, đặc biệt là kiểm tra thiết bị giám sát hành trình tàu cá phải đảm bảo trạng thái hoạt động trước khi cho tàu cá xuất bến.
XUẤT KHẨU HƠN 9.600 TẤN VẢI THIỀU QUA CỬA KHẨU QUỐC TẾ KIM THÀNH
Theo Cục Hải quan tỉnh Lào Cai ngày 7/6, từ đầu vụ tới nay đã có hơn 9.600 tấn vải thiều của Bắc Giang và Hải Dương xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành - Lào Cai với tổng kim ngạch hơn 5 triệu USD. Hàng ngày cơ quan chức năng cửa khẩu quốc tế Kim Thành đều ưu tiên làm thủ tục thông quan trừ buổi sáng trung bình từ 40 - 50 xe vận chuyển vải thiều xuất khẩu sang cửa khẩu Bắc Sơn ở thị trấn Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Dự kiến vụ vải thiều năm nay sẽ có khoảng 30.000 tấn quả vải tươi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường vùng Tây Nam Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai.
MẬN HẬU SƠN LA ĐƯỢC ĐƯA VÀO THỰC ĐƠN PHỤC VỤ CỦA VIETNAM AIRLINES
Vào ngày 10/6 tới đây, những trái mận hậu đầu tiên của tỉnh Sơn La sẽ được đưa lên các chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines để phục vụ các suất ăn của du khách. Đây là sản phẩm quả thứ 2 của Sơn La được đưa lên các chuyến bay. Việc mận hậu được đưa lên máy bay tiếp tục mở ra cơ hội mới trong việc tiêu thụ quả mận hậu – một trong những sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương này. Vì vậy, chính quyền các địa phương và người trồng mận rất phấn khởi khi sản phẩm trái cây của mình vươn xa. Hiện nay, giá mận hậu dao động tại vườn từ 15 – 25.000 đồng/kg vào chính vụ; 50 – 100.000 đ/kg đối mận chín sớm. Rất nhiều hộ trồng mận trên địa bàn tỉnh có thu nhập bình quân từ 200 triệu – 300 triệu/ha. Mận hậu có vị chua ngọt đậm đà, giòn, róc hạt nên đã từng bước chinh phục người tiêu dùng.
THỊ PHẦN CAO SU VIỆT NAM ĐANG BỊ THU HẸP TẠI HÀN QUỐC
Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), xuất khẩu cao su của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm đạt khoảng 580 nghìn tấn, trị giá 803 triệu USD, giảm 3,3% về lượng và giảm 23,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, hiện Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Việt Nam và Nhật Bản là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Hàn Quốc. Trong 5 thị trường cung cấp lớn nhất này, Hàn Quốc tăng lượng nhập khẩu từ Indonesia và Trung Quốc, nhưng lại giảm nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 4 cho Hàn Quốc với 9,6 nghìn tấn, trị giá 15,3 triệu USD, giảm 32,3% về lượng và giảm 43,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.