Tinh hoa ‘tứ quý mỹ vị’ trái cây Việt hội tụ tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Bác sĩ quân y Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ gìn giữ hòa bình trở về. Hơn 1.000ha rừng thông ở Nghệ An bị sâu róm tấn công. Sạt lở gần 200 điểm trên các tuyến quốc lộ ở Thanh Hóa.
Hội tụ tinh hoa ‘tứ quý mỹ vị’ trái cây Việttại Bắc Kinh, Trung Quốc
Sáng 29/9, tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ Nhất với chủ đề “Trái cây Việt Nam - Bốn mùa thơm ngon” đã chính thức khai mạc.
Về cung cấp trái cây và sản phẩm từ trái cây, Việt Nam là đối tác lớn thứ 3 thế giới của Trung Quốc với nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng vững chắc và được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc tổ chức Lễ hội trái cây Việt Nam tại Thủ đô Bắc Kinh là sáng kiến của liên Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT Việt Nam nhằm góp phần triển khai, hiện thực hóa các cam kết và quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao hai nước sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tháng 8 vừa qua.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, đến thời điểm hiện tại, đã có 12 loại trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với kim ngạch ước tính khoảng 4,5 tỷ USD vào năm 2024.
Đây là những sản phẩm đã được trồng tại các khu vực có mã số vùng trồng, đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế, phục vụ xuất khẩu. Hiện tại, toàn Việt Nam đã có 5.840 mã số vùng trồng trái cây đã được nước nhập khẩu cấp mã số, trong đó qua thị trường Trung Quốc chiếm 40,2% với 2.350 vùng trồng đã được cấp mã số xuất khẩu.
Bác sĩ quân y Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ gìn giữ hòa bình trở về
(NGUYỄN THỦY)
Tối 28/9, tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam phối hợp Bệnh viện Quân y 175 tổ chức lễ đón 51 cán bộ, nhân viên Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 5 sau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Phái bộ Liên hợp quốc (Nam Sudan) về nước an toàn.
Với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cùng sự hỗ trợ từ các cơ quan Chính phủ, Quân đội nhân dân Việt Nam và Liên hợp quốc, các chiến sĩ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 5 đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đảm bảo an toàn tuyệt đối của con người, trang thiết bị, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong việc điều trị bệnh nhân và được Bộ chỉ huy căn cứ Bentiu và các đơn vị bạn đánh giá cao, người dân bản địa yêu mến.
Hơn 1.000ha rừng thông ở Nghệ An bị sâu róm tấn công
(Việt Khánh – Ngọc Linh SX)
Thời gian gần đây vấn nạn sâu róm hại thông lại bùng phát trên địa bàn tỉnh Nghệ An với tổng diện tích nhiễm bệnh trên 1.000ha, trong đó tập trung chính tại lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc với khoảng 750 ha.
Nắm bắt diễn biến tại Ban này được biết, tình trạng dịch bệnh sâu róm hại thông xuất hiện từ 20 năm trước, theo chu kì 2 đến 3 năm lại bùng phát một lần. Sâu bệnh hoành hành trong thời gian dài gây ra nhiều khó khăn trong công tác ứng phó, nhất là khi nguồn lực của Ban có hạn.
Theo ghi nhận của Nông nghiệp Việt Nam, Ban đang triển khai 2 phương pháp ứng phó chính là đặt bẫy đèn và phun thuốc. Ưu thế của đặt bẫy đèn là chi phí thấp, trong khi phun thuốc khá tốn kém, ước tính trên 1 triệu đồng/ha.
Sau khi nắm bắt thông tin, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An và Sở NN-PTNT đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp địa phương đã đề xuất tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ chủ rừng để ứng phó dịch sâu róm.
Sạt lở gần 200 điểm trên các tuyến quốc lộ ở Thanh Hóa
Nguyễn Anh Toản sx
Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa cho biết do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 và đợt không khí lạnh, từ ngày 21-23/9, trên các tuyến quốc lộ xảy ra sạt taluy dương, sạt lở đá lăn, sa bồi mặt đường, sa bồi rãnh dọc 182 vị trí, nhiều đoạn chưa thông được tuyến. Cụ thể, Quốc lộ 15 xảy ra 10 vị trí bị sạt lở, khối lượng khoảng 4.100m3, hiện còn 2 vị trí tại Km35+950, Km39+580 địa phận thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa) đang tắc đường.
Tại Quốc lộ 15C xảy ra sạt lở tại 140 vị trí, hiện còn lại 4 vị trí qua địa bàn huyện Mường Lát đang tắc đường. Quốc lộ 16 xảy ra sạt lở 9 vị trí; Quốc lộ 217 xảy ra 16 vị trí; Quốc lộ 47 xảy ra 7 vị trí… Hiện nay, Sở GTVT cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức khắc phục các vị trí sạt lở; tuyên truyền, bố trí người trực gác, hướng dẫn giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến.