Trái cây đang gặp áp lực tiêu thụ rất lớn. Một số thị trường dừng nhập dừa trực tiếp từ Việt Nam. Hạt điều Việt Nam chiếm 91% lượng nhập khẩu của Anh. Cà Mau xác định tôm là mặt hàng chủ lực cấp quốc gia.
TRÁI CÂY ĐANG GẶP ÁP LỰC TIÊU THỤ RẤT LỚN
Theo Bộ NN-PTNT, hầu hết sản lượng cây ăn quả trong quý 2 năm nay đều tăng so với cùng kỳ năm trước, với khoảng 1,2 triệu tấn trái cây cần được tiêu thụ, tập trung chủ yếu tại ĐBSCL. Trái cây nghịch vụ cũng chiếm đến 54,4% tổng sản lượng. Chính vì vậy trong thời gian sắp tới, lượng trái cây khổng lồ sẽ đồng loạt được thu hoạch, Thế nhưng hầu hết nông sản chính tại ĐBSCL thời điểm này đang có dấu hiệu lặp lại điệp khúc được mùa rớt giá. Nếu như thời điểm này mọi năm, bơ có giá 25.000 đồng/kg, thì nay chỉ còn 18.000 - 20.000 đồng/kg. Trong khi đó, xoài Đài Loan thương lái thu mua với giá 5.000 đồng/kg, thấp hơn một nửa so với mọi năm.Hơn 1 tháng nay, nhiều chủ vựa khu vực Tiền Giang, Đồng Tháp đã không còn thu mua mít Thái xuất khẩu nữa khiến giá mít rơi tự do chỉ còn 3.000 đồng/kg. Hàng chuyên xuất khẩu cũng chỉ cao hơn từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.Giá cam sành miền Tây cũng bất ngờ giảm gần 10.000 đồng/kg. Một số chủ vựa thậm chí còn bất ngờ khi hôm trước còn “ôm” hàng với giá cao, hôm sau có nguy cơ lỗ khi giá tụt mạnh. Trước tình hình trên, Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương khi tiến hành rải vụ cây ăn trái, hỗ trợ, thúc đẩy liên kết sản xuất, sản xuất rải vụ phải gắn với đầu ra của sản phẩm.
MỘT SỐ THỊ TRƯỜNG DỪNG NHẬP DỪA TRỰC TIẾP TỪ VIỆT NAM
Hoạt động xuất khẩu dừa tại Bến Tre đang giảm mạnh, do một số thị trường không cho nhập dừa trực tiếp như trước đây. Số liệu của Sở Công Thương Bến Tre cho thấy, quý 1 năm nay, xuất khẩu dừa xiêm hay còn gọi là dừa uống nước đã giảm hơn 50% về lượng so với cùng kỳ mọi năm. Trong đó, lượng dừa khô xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm gần 80%, còn chỉ xơ dừa hầu như không xuất khẩu được. Theo các doanh nghiệp, trước đây việc xuất khẩu dừa uống nước sang Hoa Kỳ rất thuận lợi nhưng hiện nay, các nhà nhập khẩu cho rằng Hoa Kỳ chưa có ký kết với Việt Nam về xuất khẩu mặt hàng dừa uống nước nên tạm thời dừng nhập khẩu mặt hàng này. Điều này đang gây ảnh hưởng lớn đối cộng động doanh nghiệp. Do các khách hàng đã tìm đến các nhà cung cấp khác, nếu mở cửa xuất khẩu sang Hoa Kỳ trở lại, các công ty mất rất nhiều thời gian để tìm khách hàng mới.
HẠT ĐIỀU VIỆT NAM CHIẾM 91% LƯỢNG NHẬP KHẨU CỦA ANH
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 2 tháng đầu năm nay, Vương quốc Anh nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam đạt 22,53 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ 2021, giúp thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của xứ sở sương mù tăng lên 91% trong 2 tháng đầu năm 2022.Kết quả đáng khích lệ này là nỗ lực lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cùng các bộ ngành liên quan, song cũng phản ánh những lợi ích mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh mang lại sau hơn một năm thực thi.
CÀ MAU XÁC ĐỊNH TÔM LÀ MẶT HÀNG CHỦ LỰC CẤP QUỐC GIA
Nhằm hoàn thiện các giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững và nâng cao giá trị gia tăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cà Mau đã xây dựng Dự thảo Chương trình của Tỉnh ủy và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, địa phương xác định sản phẩm chủ lực cấp quốc gia của địa phương là tôm. Riêng sản phẩm chủ lực cấp tỉnh gồm: cua biển, lúa gạo, chuối, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Đây cũng là 5 nhóm ngành hàng nằm trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Cà Mau trong 5 năm vừa qua.Để thật sự bứt phá mạnh mẽ, giới chuyên gia khuyến cáo tỉnh Cà Mau cần phải tính toán đến những vấn đề lớn ảnh hưởng trực tiếp đến nông nghiệp, như: tài nguyên nước, biến đổi khí hậu và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.