Trồng 800m2 ớt ngọt Palermo, chàng trai 9x thu 200 triệu đồng/tháng. Triển vọng dự án nuôi lươn bể bạt không bùn. Việt Nam vẫn lệ thuộc vào nguồn cung ngô hạt từ nước ngoài. Chiêm ngưỡng mùa vàng Bình Liêu.
Anh Phạm Văn Tuấn là một trong những hộ gia đình tiên phong trồng thử nghiệm giống ớt ngọt Palemo tại thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La với quy mô 1,2 vạn cây giống, trên diện tích 800 m2 nhà lưới.
Theo chia sẻ anh Tuấn, giống ớt Palemo này khá mới trên thị trường, được anh nhập từ Hà Lan. Hiện chỉ có ở Đà Lạt và Mộc Châu khí hậu thích hợp với giống ớt này. Sau một thời gian nghiên cứu, tìm tòi, trồng thử nghiệm thì giống ớt ngọt Palemo này đậu quả và cho năng suất cao. Trung bình một năm trang trại ớt của anh Tuấn cho sản lượng 25 tấn một vụ. Tại thị trường Hà Nội, giá ớt ngọt Palemo dao động từ 180 đến 200 nghìn đồng/kg. Mô hình đem lại doanh thu trung bình 200 triệu/tháng cho gia đình.
Giống ớt Sweet Palermo với 4 màu khác nhau bao gồm đỏ, vàng, cam và chocolate, có vị ngọt đặc trưng, không cay không hăng. Ngoài các món xào nấu thì giống ớt này có thể dùng ăn tươi, làm nước ép có vị thơm ngon. Hàm lượng vitamin C trong ớt Palermo cao gấp 3,8 lần cam và 2,5 lần kiwi.
Triển vọng dự án nuôi lươn bể bạt không bùn
Văn Vũ
Thời gian qua huyện Phụng Hiệp đã triển khai các dự án hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, trong đó mô hình nuôi lươn bể bạt không bùn được đánh giá cho hiệu quả kinh tế cao và dễ thực hiện.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết, mô hình nuôi lươn bể bạt ban đầu chỉ có 30 hộ tham gia thí điểm đến nay đã phát triển trên 100 hộ, với tổng đàn trên 150 ngàn con. Trung bình với diện tích khoảng 10m2 bể bạt hoặc bể xi măng lát gạch nuôi được 1.000 con lươn giống, sau 8 tháng nuôi sẽ cho thu hoạch. Trừ hết chi phí cho lợi nhuận từ 20 - 25 triệu đồng. Tham gia mô hình ngoài việc được nhà nước hỗ trợ 50% con giống, 50% thức ăn, thì người dân còn được tập huấn kỷ thuật trong quá trình nuôi. Mô hình không chỉ giúp những nông hộ ít đất sản xuất có điều kiện phát triển kinh tế mà qua đó còn thực hiện được mục tiêu đa dạng hóa cơ cấu vật nuôi mà huyện đang thực hiện.
Việt Nam vẫn lệ thuộc vào nguồn cung ngô hạt từ nước ngoài
Thanh Thủy khai thác
Theo Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu 2023 nước ta đã nhập khẩu khoảng 6,51 triệu tấn ngô các loại, giá trị trên 2,03 tỷ USD, giảm khoảng 2,3% về khối lượng, 14,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng tháng 9, nước ta nhập 1,16 triệu tấn ngô các loại với giá trung bình là 274 USD/tấn.
Ngô được nhập khẩu chủ yếu từ Argentina, với hơn 37,4% sản lượng (khoảng 2,43 triệu tấn). Tiếp theo là Brazil 2,43 triệu tấn chiếm hơn 35% và Ấn Độ 1,18 triệu tấn chiếm trên 18%.
Nhập khẩu ngô các loại của nước ta nhằm cung cấp đủ nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Theo dự đoán dù nước ta đã tập trung nâng cao diện tích trồng ngô cũng như áp dụng tìm ra các giống ngô đạt năng suất cao nhưng vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Vì vậy, việc nhập khẩu ngô vẫn sẽ diễn ra trong thời gian dài.
Chiêm ngưỡng mùa vàng Bình Liêu
Thanh Thủy khai thác
Bắt đầu từ tháng 10, ruộng bậc thang Bình Liêu (Quảng Ninh) vào mùa lúa chín. Những thửa ruộng đẹp nhất tập trung ở bản Khe O, Cao Thắng, Ngàn Pạt (xã Lục Hồn). Theo UBND huyện Bình Liêu, khoảng 2 tuần nay du khách khắp nơi đã về địa phương để trải nghiệm khung cảnh thiên nhiên đang vào mùa đẹp nhất trong năm.
Ruộng bậc thang được người dân địa phương gieo cấy từ lâu đời, gắn liền với cộng đồng các dân tộc tại đây. Ruộng bậc thang còn mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa độc đáo.
Đến Bình Liêu dịp này ngoài lễ hội mùa vàng xuyên suốt tháng 10 tới đầu tháng 11 du khách còn có thể trải nghiệm lễ mừng cơm mới tại nhà một số hộ dân ở các thôn bản người Tày; cắm trại trên núi Cao Xiêm; tham gia các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian…