| Hotline: 0983.970.780

Tăng sức khỏe cho đất dốc

Tạo 'ngôi nhà xanh' cho cây dược liệu

Thứ Sáu 16/08/2024 , 08:05 (GMT+7)

QUẢNG NAM Trồng dược liệu dưới tán rừng không chỉ tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần giữ rừng, bảo vệ đất rừng trước những tác động thiên tai.

Vắng dần những đồi núi trọc

Bài liên quan

Quảng Nam là địa phương chịu nhiều tổn thất do thiên tai, đặc biệt là sạt lở đất ở khu vực các huyện miền núi. Chỉ riêng năm 2020, tại 9 huyện miền núi, thiên tai đã làm hàng chục người thiệt mạng, hàng ngàn ngôi nhà bị phá hủy, hư hại, tổng thiệt hại hơn 10.000 tỷ đồng.

Huyện Nam Trà My là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Sau thiên tai, chính quyền và ngành chức năng đi tìm nguyên nhân dẫn đến lũ quét, sạt lở đất bất thường. Trong số những nguyên nhân đưa ra, thì việc phá rừng, canh tác lâm nghiệp thiếu bền vững khiến đất đai bị xói mòn, rửa trôi cũng được nhắc đến.

Quảng Nam là tỉnh có diện tích rừng lớn với khoảng 700.000ha. Ảnh: L.K.

Quảng Nam là tỉnh có diện tích rừng lớn với khoảng 700.000ha. Ảnh: L.K.

Bài liên quan

Chính vì vậy, những năm qua, huyện Nam Trà My đã khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện các mô hình kinh tế rừng bền vững. Một trong những giải pháp mà huyện này đã thực hiện là đẩy mạnh phát triển kinh tế dưới tán rừng, trong đó chú trọng vào các loài cây dược liệu có giá trị như sâm Ngọc Linh, quế, giảo cổ lam, đảng sâm… Chính những mô hình đó đã giúp người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ rừng đầu nguồn để giữ nước, chống xói mòn, hạn chế sạt lở.

Ngoài cây sâm Ngọc Linh đã xây dựng được thương hiệu từ lâu thì 2 năm gần đây, huyện Nam Trà My đã xây dựng chương trình, đề án trồng cây dược liệu thất diệp nhất chi hoa dưới tán rừng. Với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thuận lợi, những diện tích trồng cây dược liệu này đang phát triển tốt, tỷ lệ sống trung bình đạt đến trên 80%.

Bài liên quan

Tại xã Trà Tập (huyện Nam Trà My), nhóm 25 hộ dân được hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật và tiến hành trồng 16.700 cây thất diệp nhất chi hoa trên diện tích 1ha vào đầu tháng 1/2024 dưới tán rừng phòng hộ. Qua quá trình chăm sóc, theo dõi, anh Hồ Văn Giáp (nhóm trưởng) cho biết, môi trường sống ưa thích của loài cây này là dưới những cánh rừng nhiều tầng, nhiều tán, hạn chế ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.

“Dưới tán rừng mát mẻ, độ ẩm cao và chất dinh dưỡng được cung cấp từ mùn của lá cây rừng phân hủy là điều kiện lý tưởng để cây thất diệp nhất chi hoa sinh trưởng. Vậy nên, điều quan trọng là phải giữ được hệ sinh thái tự nhiên trong khu vực này và xung quanh. Nếu rừng bị chặt phá, không còn đa dạng tầng tán thì khi mưa xuống, đất đai bị rửa trôi hết, chất dinh dưỡng không còn đủ cung cấp cho cây phát triển”, anh Giáp chia sẻ.

Cây dược liệu thất diệp nhất chi hoa phát triển rất tốt dưới tán rừng. Ảnh: L.K.

Cây dược liệu thất diệp nhất chi hoa phát triển rất tốt dưới tán rừng. Ảnh: L.K.

Bài liên quan

Giữ rừng là giữ sinh kế, anh Giáp cũng như các thành viên trong nhóm luôn hiểu rõ điều này. Thời gian qua, cùng với việc phát triển kinh tế từ cây dược liệu, nhóm hộ này còn là lực lượng tích cực phối hợp với ngành chức năng huyện Nam Trà My trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng trước các hoạt động xâm hại. Nhờ vậy, những diện tích rừng đầu nguồn được bảo vệ, giúp giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất gây ra.

Ông Võ Hồng Siêu, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Nam Trà My cho biết, ngoài xã Trà Tập, đến nay, mô hình trồng cây thất diệp nhất chi hoa đã triển khai ở 5 xã khác với diện tích hơn 7ha, tất cả đều phát triển tốt. Ở những xã này, ý thức giữ rừng của người dân ngày càng tăng lên, hiếm thấy tình trạng đốt rừng làm nương rẫy như thời gian trước.

“Bây giờ đi dọc từ đầu đến cuối huyện là một màu xanh bạt ngàn của các loại rừng. Hình ảnh những đồi núi trọc rất ít. Nhờ vậy mà trong 3 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân không còn xảy ra ở các xã miền núi. Thỉnh thoảng chỉ có một số vụ sạt lở ở các tuyến đường giao thông”, ông Siêu nói.

Cả trung tâm huyện chỉ có một cửa hàng thuốc BVTV

Tỉnh Quảng Nam có khoảng 700.000ha đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích trồng keo chiếm gần 1/3, tương đương hơn 200.000ha. Tuy nhiên, tại những khu vực vùng sâu vùng xa, hạ tầng giao thông không thuận lợi, việc trồng keo không mang lại hiệu quả kinh tế bởi chi phí vận chuyển chiếm gần một nửa số tiền nông dân thu được.

Cây dược liệu thất diệp nhất chi hoa phát triển tốt dưới tán rừng nhờ thảm thực bì dày và tán rừng che phủ kín. Ảnh: L.K.

Cây dược liệu thất diệp nhất chi hoa phát triển tốt dưới tán rừng nhờ thảm thực bì dày và tán rừng che phủ kín. Ảnh: L.K.

Bài liên quan

Cũng như các địa phương miền núi khác, địa hình huyện Nam Trà My đa phần có độ dốc lớn. Những năm trước, bà con chủ yếu tập trung phát triển cây keo nhưng hiệu quả không cao. Ngoài ra, cây keo sau khi khai thác, việc đốt thực bì tạo thành những khu vực đồi núi trọc. Mỗi khi mưa xuống đất đai bị xói mòn, rửa trôi hết dinh dưỡng.

Từ thực tế này, ngành chức năng huyện Nam Trà My đã có chủ trương không hỗ trợ bằng nguồn ngân sách nhà nước để phát triển cây keo. Thay vào đó, huyện tập trung vào phát triển các loài cây dược liệu. Ngoài sự hỗ trợ từ các dự án, địa phương cũng thường xuyên vận động người dân tự đầu tư. Đến nay, 10/10 xã ở huyện này đã tiến hành trồng nhiều loài cây dược liệu ở các loại đất rừng khác nhau.

“Với cây dược liệu, điều kiện đầu tiên để trồng được là phải có rừng. Những loài cây dược liệu như sâm Ngọc Linh, giảo cổ lam hay thất diệp nhất chi hoa có đặc tính sống tốt dưới tán rừng tự nhiên, hạn chế những tác động từ bên ngoài. Vì vậy, định hướng phát triển này sẽ mang lại 2 lợi ích, vừa giúp gia tăng hiệu quả kinh tế vừa góp phần giữ rừng, bảo vệ môi trường rừng”, ông Võ Hồng Siêu, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Nam Trà My cho biết.

Tán rừng là khu vực thuận lợi để phát triển các loài cây dược liệu. Ảnh: L.K.

Tán rừng là khu vực thuận lợi để phát triển các loài cây dược liệu. Ảnh: L.K.

Bài liên quan

“Môi trường rừng được bảo vệ nên những diện tích trồng cây dược liệu cũng ít khi xuất hiện các loại sâu bệnh hại. Chỉ có cách đây 2 năm, trên cây sâm Ngọc Linh có bị nấm bệnh gây hại nhưng người dân cũng chỉ sử dụng các phương pháp dân gian để phòng trừ như dùng tro bếp để bôi vào các vị trí bị nhiễm chứ không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào”, ông Siêu cho hay.

Ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam thừa nhận, nhiều năm trước, các huyện miền núi ở Quảng Nam chủ yếu tập trung phát triển cây keo và loại cây này trong thời gian rất dài đóng vai trò quan trọng giúp người dân phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay phải có sự thay đổi để nâng cao hiệu quả từ rừng và định hướng phát triển cây dược liệu của huyện Nam Trà My là hợp lý. Theo ông Út, việc trồng dược liệu dưới tán rừng nếu làm đúng kỹ thuật, không ảnh hưởng đến môi trường rừng thì không chỉ tạo được sinh kế mà còn đem lại nhiều giá trị như giữ được rừng, bảo vệ đất đai trước những bất lợi từ thiên tai.

“Ngoài những diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ trồng dược liệu thì các vùng đệm cũng cần được khoanh nuôi, bảo vệ, chuyển hóa dần đất rẫy thành diện tích có rừng để tăng độ che phủ. Nếu để cho rừng tự tái sinh trở lại là tốt nhất. Trong trường hợp khó phục hồi thì trồng bổ sung và ưu tiên các loại cây bản địa như dổi, ươi, lim, sao đen…

Rừng được bảo vệ tốt đã tạo ra 'ngôi nhà xanh' cho các loài dược liệu phát triển trù phú. Ảnh: L.K.

Rừng được bảo vệ tốt đã tạo ra "ngôi nhà xanh" cho các loài dược liệu phát triển trù phú. Ảnh: L.K.

Khi vùng đệm được tái tạo sẽ tạo được môi trường tốt để trồng thêm nhiều loài cây dược liệu khác nữa. Từng loài cây dược liệu có thể sống ở những môi trường rừng khác nhau. Chúng ta sẽ phân thành từng khu vực, sau khi thăm dò, khảo nghiệm để có những đánh giá cụ thể, ở độ cao nào thì trồng cây dược liệu nào. Đồng thời, những diện tích trồng dược liệu sẽ sản xuất theo kiểu thuận thiên, sinh thái, vừa đảm bảo về chất lượng, quản lý dịch hại, vừa bảo vệ môi trường rừng”, ông Út nói.

Ông Võ Hồng Siêu, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Nam Trà My Siêu khẳng định, hiện nay, bà con trên địa bàn rất ít, thậm chí không sử dụng các loại phân bón hóa học hoặc thuốc bảo vệ thực vật trong những khu vực trồng cây dược liệu. Ngay tại trung tâm huyện Nam Trà My cũng chỉ có duy nhất một cơ sở kinh doanh các loại mặt hàng này nhưng cũng rất kén người mua. Người dân chỉ sử dụng nguồn phân bón tại chỗ từ mùn đất của cành, lá cây rừng phân hủy. Đồng thời, bảo vệ thảm thực vật dưới tán rừng để giữ độ ẩm cho đất.

Xem thêm
Phương châm '3 đủ' trong phòng chống đói, rét cho gia súc

Thái Nguyên Tại huyện Phú Lương, công tác phòng chống đói, rét được thực hiện với phương trâm '3 đủ' là đủ ấm, đủ no, đủ vacxin và thú y phòng dịch.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.