Trồng sầu riêng mùa thuận lãi từ 40 - 100 triệu đồng/1.000m2. Hành trình chuyển đổi số có điểm đầu mà không có điểm cuối. Diêm dân kém vui vì giá muối giảm. Hóa giải các thách thức hạn mặn cho vùng ĐBSCL.
Hiện nay, nông dân trồng sầu riêng ở ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch rộ để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Theo nhiều nông dân trồng sầu riêng trên địa bàn TP Cần Thơ, tuy giá sầu riêng hiện nay giảm hơn phân nửa so với cách đây 1 tháng, nông dân bán cho thương lái tại vườn từ 50.000 - 80.000 đồng/kg, năng suất đạt từ 2 tấn trên diện tích 1.000m2, có thể đạt lợi nhuận từ 40-100 triệu đồng trở lên.
Ông Nguyễn Văn Tùng, nhà vườn trồng sầu riêng ở ấp Trường Trung B, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho biết: Giá bán sầu riêng thuận mùa không cao như mùa nghịch nhưng nhờ chi phí đầu tư thấp hơn và năng suất trái đạt cao hơn nên nông dân vẫn thu được mức lợi nhuận khá cao. Thời gian qua, nhiều vườn sầu riêng cho trái thuận mùa tại huyện Phong Điền có thể đạt năng suất trái lên đến 2-3 tấn/công, thậm chí cao hơn.
Hành trình chuyển đổi số có điểm đầu mà không có điểm cuối
Hoài Thơ - Phạm Huy
Sáng 15/5, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ký kết thoả thuận hợp tác với Công ty Cổ phần tập đoàn Xelex và Công ty TNHH Mạng nhà nông.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Lê Quốc Thanh, giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia cho rằng hành trình chuyển đổi số là hành trình có điểm đầu mà không có điểm cuối, vì chuyển đổi số càng ngày càng vĩ đại hơn, vượt xa kiến thức của chúng ta. Ông hy vọng sau lễ ký kết, ba bên sẽ cùng nhau bắt tay phát triển sản phẩm chuyển đổi số trong nông nghiệp, góp phần vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia cũng như thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp.
Để thúc đẩy sự lan toả và góp phần hiện thực hoá tiến trình chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, Ông Nguyễn Ái Hữu - Tổng Giám đốc quản trị Công ty Cổ phần tập đoàn XELEX mong muốn thông qua ứng dụng mạng nhà nông, bà con nông dân sẽ nắm bắt được thông tin kịp thời về các chính sách của Đảng và Nhà nước; giá cả nguyên vật liệu trong chăn nuôi, trồng trọt; tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường tiêu thụ, đảm bảo đầu ra cho nông sản.
Diêm dân kém vui vì giá muối giảm
Sản xuất Kim Sơ - Phương Chi
Từ đầu năm đến nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nắng nhiều, không có mưa trái mùa nên muối đạt năng suất cao. Tuy nhiên diêm dân kém vui vì giá muối từ đầu vụ cũng như hiện tại thấp hơn nhiều so với năm ngoái.
Ông Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Hợp tác xã muối 1/5 Ninh Diêm, phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa cho biết, đầu vụ giá muối trải bạt được thu mua từ 1,1-1,2 triệu đồng/tấn, nhưng sau đó giảm dần, hiện chỉ còn 700 - 800 ngàn đồng/tấn. Do giá muối thấp, sản xuất không lãi mấy nên đa số diêm dân sau khi thu hoạch muối đều trữ lại trên các ruộng chờ giá lên.
Được biết, Hợp tác xã muối 1/5 Ninh Diêm hiện có hơn 90 ha ruộng muối, chủ yếu sản xuất trên nền lót bạt nên năng suất, chất lượng muối tốt. Từ đầu năm đến nay, toàn Hợp tác xã đã sản xuất hơn 6.500 tấn, đạt chỉ tiêu đề ra.
Hóa giải các thách thức hạn mặn cho vùng ĐBSCL
Kim Anh sx
Nhận định về xu thế lượng nước mùa mưa lũ về ĐBSCL, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho biết, từ năm 2012 đến nay, vùng ĐBSCL không còn lũ lớn. Lũ trung bình, lũ nhỏ gia tăng, đồng nghĩa tình trạng thiếu nước trong mùa mưa lũ và khả năng dự trữ nước cho mùa khô trở nên khó khăn hơn.
Đặc biệt, xâm nhập mặn sâu hơn vào đất liền trong mùa khô, nhất là những năm xuất hiện hiện tượng El Nino. Tuy nhiên, xu thế thiệt hại do hạn mặn đang giảm do người dân chủ động trong các giải pháp ứng phó. Cụ thể, một ước tính chưa đầy đủ trong năm 2024, tác động hạn mặn đến sản xuất nông nghiệp khoảng 20.000ha, số hộ dân thiếu nước sinh hoạt khoảng 40.000ha.
Từ thực tế đó, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã đưa ra các định hướng, giải pháp về thủy lợi; công nghệ xây dựng cho các công trình cơ sở hạ tầng, đô thị ứng phó biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực cung ứng nước ngọt; nhân rộng các mô hình sinh kế và đổi mới sáng tạo hay giải pháp chuyển đổi kinh tế xanh kết hợp nâng cao sức chịu đựng thiên tai của doanh nghiệp, giúp vùng ĐBSCL hóa giải các thách thức trong sản xuất nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.