Trung Quốc thông báo 439 trường hợp vi phạm mã số vùng trồng. Bệnh thối ngó, cháy lá tàn phá vùng sen Đồng Tháp. TP.HCM sắp có Sở An toàn thực phẩm. Canh tác lúa thông minh, lợi nhuận tăng gần 4 triệu đồng/ha.
Trung Quốc thông báo 439 trường hợp vi phạm mã số vùng trồng
Hiện nay, cả nước có gần 7.000 mã số vùng trồng, gần 1.500 cơ sở đóng gói được cấp để phục vụ xuất khẩu. Trong 8 tháng đầu năm, phía Trung Quốc đã 6 lần gửi thông báo vi phạm về mã số vùng trồng với 439 trường hợp vi phạm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhiều lần cảnh báo, yêu cầu chấn chỉnh nhưng chuyển biến ở các địa phương rất chậm, thậm chí có nơi còn tệ hơn. Trong khi đó, 89% sản lượng trái cây của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 10 loại trái cây chủ lực của Việt Nam cũng đều có mặt ở quốc gia này, điển hình như thanh long và sầu riêng.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung, nếu Trung Quốc áp dụng các biện pháp tăng cường như ngừng nhập khẩu, cấm nhập khẩu, nước ta sẽ mất thời gian ít nhất từ 3 - 5 năm để đàm phán lại việc xuất khẩu trái cây, từ đó sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, nếu không làm tốt khâu quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sẽ còn dẫn đến nhiều hệ lụy trong thời gian tới.
Bệnh thối ngó, cháy lá tàn phá vùng sen Đồng Tháp
Văn vũ (Sản xuất)
Thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, diện tích trồng sen trên địa bàn tỉnh sụt giảm nghiêm trọng do vướng phải “căn bệnh” thối ngó, cháy lá. Gần 2.000 ha vào năm 2021, đến nay chỉ còn khoảng 1.200ha trồng sen, năng suất trung bình 3 tấn gương sen/ha, bà con nông dân liên tục bị thua lỗ nặng.
Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, do tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh lá đã khiến nhiều doanh nghiệp thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất. Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp đã mời nhiều chuyên gia tìm nguyên nhân và xây dựng đồng bộ các phương pháp phòng trị bệnh thiện môi trường đất, áp dụng vi sinh để trị bệnh thối ngó, cháy lá trên cây sen. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân từ khâu trồng, xử lý giống ngay đầu vụ, đến hoàn thiện toàn bộ quy trình trồng sen cho bà con nông dân, nâng cao chất lượng và năng suất.
TP.HCM sắp có Sở An toàn thực phẩm
Phạm Huy khai thác
Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa 10 vừa thông qua Tờ trình thành lập Sở An toàn thực phẩm TPHCM.
Việc thành lập Sở An toàn thực phẩm là một trong những cơ chế được Quốc hội cho phép thí điểm ở TP.HCM, giao Hội đồng nhân dân thành phố quyết định.
Sở An toàn thực phẩm TPHCM được thành lập sau quá trình thí điểm mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm (kết hợp lực lượng từ 3 Sở Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) từ năm 2017 đến nay.
Theo UBND TP.HCM, việc thành lập Sở An toàn thực phẩm là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh một đô thị lớn, không ngừng phát triển như TPHCM.
Đây là cơ quan chuyên môn có chức năng quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, nhằm ngăn chặn, giải quyết dứt điểm, căn cơ tình trạng không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Canh tác lúa thông minh, lợi nhuận tăng gần 4 triệu đồng/ha
Lê Hoàng Vũ (Sản xuất)
Ngày 19/9 tại huyện Thạnh Trị, Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng phối hợp Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tổ chức hội thảo tổng kết mô hình trình diễn chế phẩm sinh học Bio-Canxi và phân bón chuyên dùng Đầu Trâu Bio – Lúa tại hộ ông Phạm Thanh Ca ở ấp Trương Hiền, xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng), với diện 3ha, được chia ra 5 nghiệm thức sản xuất, mỗi ruộng nghiệm thức là 5.000m2.
Dự kiến ruộng áp dụng mô hình cho lợi nhuận tăng gần 4 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng sản xuất theo thông thường. Ông Võ Quốc Trung, cán bộ kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng) cho biết, chương trình Canh tác lúa thông minh sẽ được ưu tiên nhân rộng trong thời gian tới.