Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi không chỉ giúp giảm nhân công, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn là điều kiện để kiểm soát dịch bệnh hiệu quả nhất.
Áp dụng công nghệ cao giúp hạn chế dịch bệnh trong chăn nuôi
Đây là trang trại heo sạch của ông Dương Hoàng Dũng tại xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, trang trại với diện tích trên 1.000m2, trung bình mỗi năm trang trại cung cấp ra thị trường từ 700 – 800 con heo giống và 300 – 500 con heo thương phẩm. Ông Dũng chia sẽ, từ khi chuyển sang nuôi công nghệ cao không chỉ tiết kiệm được nhân công lao động, thời gian chăm sóc mà còn hạn chế dịch bệnh.
Ông DƯƠNG HOÀNG DŨNG - Chủ trang trại heo sạch Dũng Nhung, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ: “Trong chăn nuôi hiện nay chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về giá, vốn và dịch bệnh.Tiếp tục đầu tư công nghệ cao vào sản xuất , tôi đảm bảo khi chăn nuôi công nghệ cao chắn chắn sẽ an toàn dịch bệnh.”
Theo sở NN-PTNT TP.Cần Thơ, toàn thành phố hiện có 289 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Những năm qua, do ảnh hưởng của thời tiết trở nên cực đoan đã làm phát sinh dịch bệnh, nhất là dịch tả heo châu Phi, gây ảnh hưởng lớn đến người chăn nuôi. Thời gian qua, ngành nông nghiệp thành phố đã thực hiện nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi áp dụng các giải pháp an toàn dịch bệnh và ứng dụng thực hành tốt trong chăn nuôi. Khuyến khích các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang trang trại, quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao để kiểm soát tốt môi trường và sức khỏe vật nuôi.
Phát biểu Ông PHẠM TRƯỜNG YÊN – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ: “Thành phố có nhiều chương trình hỗ trợ người chăn nuôi áp dụng các giải pháp an toàn dịch bệnh và ứng dụng thực hành tốt trong chăn nuôi, tuy nhiên vãn chưa tương xứng với tiềm năng. Do vậy thành phố đang định hình các khu nuôi tập trung hướng đến vấn đề áp dụng nuôi công nghệ cao”
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, TP Cần Thơ định hướng dịch chuyển chăn nuôi từ các quận huyện, định hình các khu vực chăn nuôi tập trung, quy mô lớn hướng đến áp dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường sinh thái. Ngoài ra, quản lý quy hoạch chăn nuôi phải theo lộ trình, xóa bỏ dứt điểm các loại hình chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, tập trung phát triển chăn nuôi quy mô lớn theo hướng tập trung sẽ nâng cao giá trị trong chăn nuôi một cách hiệu quả và bền vững..