| Hotline: 0983.970.780

Thú y cơ sở như con bò què chân

[Bài 4] Chăn nuôi thêm hiệu quả nhờ giữ được thú y cơ sở

Chủ Nhật 10/04/2022 , 09:20 (GMT+7)

Nhờ hệ thống thú y cơ sở chưa sáp nhập hoạt động hiệu quả nên công tác phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi tại Khánh Hòa đang phát huy tác dụng rõ nét.

Đàn bò nhà anh Thuận tuân thủ nghiêm ngặt tiêm vacxin phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của cán bộ thú y cơi sở. Ảnh: Kim Sơ.

Đàn bò nhà anh Thuận tuân thủ nghiêm ngặt tiêm vacxin phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của cán bộ thú y cơi sở. Ảnh: Kim Sơ.

Bò bị gì tôi đều gọi "ông Ứng thú y”

Vào cuối tháng 3, chúng tôi về xã Suối Tân, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) để gặp ông Trần Ứng, cán bộ thú y xã nắm bắt tình hình chăn nuôi trên địa bàn. Dũ đã 9 giờ sáng, những chúng tôi vẫn chưa thấy ông Ứng đến phòng làm việc.

Hỏi người trong xã mới biết, ông Ứng ít lên cơ quan mà lúc nào cũng bám cơ sở để lo việc tiêm phòng cho gia súc, gia cầm, phối giống, đến nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhằm kịp thời phát hiện và tổ chức phòng, chống khi dịch còn ở diện hẹp.

Chúng tôi liên lạc với ông Ứng để cùng ông xuống với các hộ chăn nuôi. Ghé thăm đàn bò với số lượng 25 con cả lớn, nhỏ của gia đình anh Nguyễn Văn Thuận, thôn Đồng Cau, xã Suối Tân vừa tiêm xong vacxin phòng bệnh tụ huyết trùng.

Gặp chúng tôi, anh Thuận vui vẻ bộc bạch, gia đình anh khởi nghiệp chăn nuôi bò khoảng 2 năm nay. Lúc đầu anh mua 10 con bò cái sinh sản, sau đó mua thêm 6 con bò 3B để vỗ béo. Sau 2 năm gây dựng, đến nay đàn bò cái sinh sản đẻ thêm 9 con bê, còn đàn bò vỗ béo sinh trưởng và phát triển tốt.

Đó là nhờ gia đình chịu khó tìm hiểu về đặc tính và kỹ thuật chăm sóc, cũng như tuân thủ nghiêm ngặt trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Thêm vào đó, mọi việc tiêm phòng, điều trị bò bị bệnh hay bỏ ăn, gia đình đều nhờ chú Ứng hỗ trợ hết mình.

Anh Thuận cho biết, thú y cơ sở có chuyên môn rất quan trong cho người chăn nuôi. Ảnh: Kim Sơ.

Anh Thuận cho biết, thú y cơ sở có chuyên môn rất quan trong cho người chăn nuôi. Ảnh: Kim Sơ.

“Thú y cơ sở có chuyên môn rất quan trọng với người chăn nuôi. Vì vậy, bò bị gì tôi đều gọi "ông Ứng thú y" đến ngay. Đến kỳ tiêm phòng, ông Ứng đều gọi nhắc nhở nên đàn bò được tiêm vacxin đầy đủ. Như vào năm ngoái, khi bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò khắp nơi bùng phát. Nhờ ông Ứng tư vấn cho đàn bò của gia đình chích vacxin sớm nên không có con nào của nhà tôi bị mắc bệnh, dù có vài con bò của một số hộ chăn nuôi lẻ tẻ xung quanh có mắc bệnh”, anh Thuận chia sẻ.

Rời nhà anh Thuận, chúng tôi tiếp tục đến gia đình ông Nguyễn Tư Quân, thôn Vĩnh Phú, xã Suối Tân đang chăn nuôi lợn. Hiện gia đình ông Quân nuôi 15 nái và 15 con heo thịt.

Ông Quân cho biết, thời gian qua, chính quyền địa phương, thú ý xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các chủ trang trại, hộ chăn nuôi vệ sinh phòng dịch, thông qua tiêu độc, khử trùng và tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi.

Nhờ vậy, các hộ chăn nuôi cũng dần ý thức, không chủ quan lơ là, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch, bảo vệ đàn lợn nuôi của gia đình. Như hộ ông Quân hiện không cần thú y xã nhắc nhở mà nắm rõ từng loại vacxin và tiêm phòng đầy đủ từ khi lợn con sinh ra cho đến khi trưởng thành.

Theo ông Trần Ứng, cán bộ thú y xã, hiện toàn xã có 460 con bò với 112 hộ nuôi, đàn heo 2.120, trong đó 890 con của nông hộ. Còn đàn gia cầm khoảng 62.000 con, trong đó 9.000 con của nông hộ. Ngoài ra, toàn xã còn có 900 con chó mèo với 700 hộ nuôi.

Đàn lợn nuôi của nhà ông Quân. Ảnh: Kim Sơ.

Đàn lợn nuôi của nhà ông Quân. Ảnh: Kim Sơ.

Phó Chủ tịch UBND xã Suối Tân Lê Văn Tự, cho biết, những năm qua nhờ xã vẫn giữ cán bộ thú y nên đã quán xuyến tốt trong công tác tham mưu kế hoạch tiêm phòng, dẫn cán bộ thú y đi tiêm phòng, phối giống, xác định dịch bệnh, xử lý dịch bệnh.

Theo ông Tự chia sẻ, những năm qua tỷ lệ tiêm vaxin phòng chó dại trên địa bàn đạt 90%, còn tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đạt từ 80% trở lên. Nhờ tiêm phòng đầy đủ nên dịch bệnh trong chăn nuôi trên địa bàn cũng hạn chế.

Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua, đối với bệnh viêm da nổi cục trên bò trên địa bàn chỉ xuất hiện một vài trường hợp lẻ tẻ, nhưng nhanh chóng khống chế không để lây lan. Tương tự, đối với bệnh heo tai xanh, lở mồm long móng cũng ít xuất hiện. Chỉ có năm ngoái, một hộ chăn nuôi vô tình mua giống lợn rừng lai ở nơi xuất hiện dịch bệnh nên bị thiệt hại.

Ông Lê Văn Tự, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Tân (Cam Lâm, Khánh Hòa) cho biết, nếu việc tiêm phòng trong chăn nuôi được thực hiện tốt dịch bệnh ít xảy ra và sự lây nhiễm không có. Do đó, ông cho rằng, vai trò thú ý cơ sở rất quan trọng. Như xã nếu không có cán bộ thú ý và mọi việc trong chăn nuôi giao cho cán bộ địa chính kiêm nhiệm khả năng cao là không kham nổi.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin cao, khoanh vùng dập dịch nhanh

Ông Lê Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y hiện đang được bố trí theo đúng quy định của Luật Thú y.

Đây là thuận lợi rất lớn của địa phương trong việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ quản lý chuyên ngành thú y các cấp, nhất là công tác phòng chống dịch bệnh động vật nguy hiểm, bệnh mới nổi như dịch tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Ông Ứng cho biết, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nên tỷ lệ tiêm vắc xin trên gia súc, gia cầm đều đạt tỷ lệ từ 80% trở lên. Ảnh: Kim Sơ.

Ông Ứng cho biết, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nên tỷ lệ tiêm vắc xin trên gia súc, gia cầm đều đạt tỷ lệ từ 80% trở lên. Ảnh: Kim Sơ.

Theo ông Thắng, năm 2019 bệnh dịch tả lợn Châu Phi lần đầu xảy ra trên phạm vi cả nước và kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi lợn. Tại Khánh Hòa mặc dù bệnh xuất hiện từ ngày 11/4/2019, nhưng nhờ có hệ thống chuyên môn trực thuộc ngành dọc, cơ quan thú y đã triển khai nhiều quyết liệt đồng bộ các biện pháp phòng, chống, khống chế dịch, từ đó hạn chế tối đa thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng môi trường.

“So với các tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, số huyện, xã có dịch, số lượng lợn chết, bệnh và khối lượng lợn buộc tiêu hủy của tỉnh Khánh Hòa rất thấp. Cụ thể, số lượng lợn mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy trên địa bàn khoảng 13.644 con, chiếm khoảng 4,9% tổng đàn lợn của toàn tỉnh”, ông Thắng chia sẻ.

Đối với dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vào ngày 11/7/2021. Dịch bệnh xảy ra trong thời gian tỉnh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vì vậy công tác giám sát tình hình dịch bệnh gia súc và triển khai công tác chống dịch gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, với hệ thống thú y trực thuộc, cơ quan thú y đã phối hợp địa phương triển khai các biện pháp chống dịch một cách tích cực, hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế. Tính đến hết ngày 31/12/2021, trên địa bàn toàn tỉnh bệnh viêm da nổi cục đã được kiểm soát và không phát sinh ổ dịch mới.

Theo ông Lê Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y Khánh Hòa, từ năm 2018, nhân viên thú y cấp xã được giao cho UBND xã quản lý. Mặc dù hiện có 124/125 xã, phường, thị trấn có bố trí nhân viên thú y, tuy nhiên có 25 người là kiêm nhiệm không có trình độ chuyên môn về chăn nuôi, thú y gây khó khăn trong triển khai hoạt động thú y tại địa phương.

Công tác chỉ đạo về chuyên môn phải qua UBND xã nên thường chậm trễ hơn, Trạm Chăn nuôi và Thú y khó khăn trong việc điều động phối hợp tham gia hỗ trợ khi tổ chức tiêm phòng tập trung, cuốn chiếu. Do chế độ phụ cấp thấp nên một số nhân viên thú y chưa chú tâm, phát huy hết vai trò trong hoạt động chuyên môn tại cơ sở.

Để khắc phục các tồn tại trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT Khánh Hòa hướng dẫn các địa phương xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý chăn nuôi và thú y trên địa bàn cấp huyện. Do đó, Chi cục đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo UBND xã thực hiện việc tuyển dụng, bố trí nhân viên thú y theo quy định tại Thông tư 29 của Bộ NN-PTNT.

Khánh Hòa: 35 trang trại chăn nuôi quy mô lớn

Tính đến cuối tháng 2/2022, toàn tỉnh Khánh Hòa có tổng đàn trâu 3.053 con, tăng 0,3%; đàn lợn 338.441 con, tăng 24,5%; đàn gia cầm hơn 2,6 triệu con, tăng 5,4%. Trong đó, riêng đàn gà hơn 1,97 triệu con, tăng 1,3% so với cùng kỳ 2021. Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 407 trang trại chăn nuôi với 35 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 20 trang trại chăn nuôi quy mô vừa và 172 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ.

Kim Sơ

Xem thêm
Nuôi lợn nông hộ có thêm phao nhờ vacxin ASF: Kết quả thực tiễn sẽ thuyết phục nông dân sử dụng vacxin

'Khi người nuôi lợn thấy vacxin AVAC ASF LIVE bảo hộ tốt, bản thân họ sẽ chủ động truyền kinh nghiệm đến những người xung quanh', TS Nguyễn Văn Điệp chia sẻ.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.