Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho địa phương chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Xuất khẩu nông sản 2 tháng đầu năm đạt 8 tỷ USD. Nhật Bản tăng yêu cầu kỹ thuật với xoài Việt Nam. Giá sầu riêng ĐBSCL giảm 10.000 đồng/kg.
ƯU TIÊN NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ CHO ĐỊA PHƯƠNG CHƯA ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI
Chính phủ vừa ban hành Quyết định quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.Nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách trung ương là ưu tiên hỗ trợ cho các xã, các huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các xã an toàn khu, xã đạt dưới 15 tiêu chí.Hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới đã đạt chuẩn nhưng mức đạt chuẩn của một số chỉ tiêu còn chưa cao để nâng cao chất lượng các tiêu chí và bảo đảm bền vững. Đối với các tỉnh tự cân đối được ngân sách (trừ tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Nam), 100% nguồn vốn thực hiện Chương trình bố trí từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác trên địa bàn. Các tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương và tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Nam sẽ được chia theo 3 tỷ lệ đối ứng khác nhau theo mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương.
XUẤT KHẨU NÔNG SẢN 2 THÁNG ĐẦU NĂM ĐẠT 8 TỶ USD
Dù xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc - thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam gặp nhiều khó khăn nhưng theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 2 tháng đầu năm vẫn đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2021.Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 3,2 tỷ USD, sản phẩm chăn nuôi đạt 54,1 triệu USD, thủy sản đạt gần 1,5 tỷ USD, lâm sản chính đạt gần 2,9 tỷ USD.Một số sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng mạnh gồm cà phê, cao su, gạo, hồ tiêu, thịt, phụ phẩm thịt, cá tra, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, mây tre, cói…Về thị trường xuất khẩu, châu Á và châu Mỹ là 2 thị trường chiếm tỉ trọng lớn nhất khi chiếm tới 70%, tiếp đến là châu Âu, châu Đại Dương và châu Phi.Hoa Kỳ là nước xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt trên 2,3 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm gần 70% tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam tại thị trường này.
NHẬT BẢN TĂNG YÊU CẦU KỸ THUẬT ĐỐI VỚI XOÀI VIỆT NAM
Theo Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT, sau thời gian Nhật Bản dừng nhập khẩu xoài từ Việt Nam do sự cố đóng gói nhầm xoài khác loại vào lô xoài Cát Chu đầu năm nay.Nước này đã nối loại hoạt động nhập khẩu xoài từ Việt Nam nhưng có thêm nhiều yêu cầu mới như vùng trồng phải có mã số do Nhật Bản phê duyệt, cơ sở đóng gói không được thực hiện cho hai thị trường cùng lúc,... Ngoài ra, nước này sẽ kiểm soát rất chặt chẽ theo chuỗi từ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm tra, kiểm dịch trước khi xuất khẩu.Năm 2021, gần 600.000 tấn xoài của Việt Nam được xuất sang các nước, tăng 42% so với năm trước. Trong đó, sản lượng xuất khẩu sang Nhật Bản tăng gấp 3 lần.
GIÁ SẦU RIÊNG ĐBSCL GIẢM 10.000 ĐỒNG/KG
Sau thời gian duy trì ở mức cao, giá sầu riêng tại vùng ÐBSCL hiện giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với cách nay hơn 2 tuần.Cụ thể, giá sầu riêng Ri 6 được nông dân bán cho thương lái ở mức từ 60.000-65.000 đồng/kg, trong khi trước đây có giá lên đến 70.000-75.000 đồng/kg. Sầu riêng Mỏn Thon cũng giảm từ 75.000-80.000 đồng/kg xuống còn 65.000-70.000 đồng/kg.Giá sầu riêng giảm do nhiều vườn đang bước vào vụ thu hoạch. Trong khi đó, sức tiêu thụ tại nhiều địa phương có phần chậm so với các tháng trước.