| Hotline: 0983.970.780

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, nông dân thoát nghèo

Thứ Sáu 18/03/2022 , 11:20 (GMT+7)

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), cơ cấu kinh tế của huyện Tuy Phước (Bình Định) chuyển dần sang hướng công nghiệp, thương mại; sản xuất nông nghiệp giảm nhưng giá trị tăng lên.

Tổ chức sản xuất có hiệu quả

Sau gần 10 năm xây dựng NTM, cơ cấu kinh tế của huyện Tuy Phước không ngừng chuyển dịch đúng hướng và có những chuyển biến tích cực, tỷ trọng sản xuất các ngành tăng dần theo hướng công nghiệp xây dựng, thương mại dịch vụ; giảm dần nông, lâm, thủy sản.

Nếu như thời điểm bắt đầu triển khai xây dựng NTM (năm 2011), giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của huyện Tuy Phước chiếm đến 38,6%; công nghiệp xây dựng chiếm 43,9%;  thương mại dịch vụ chiếm  17,5% thì đến khi hoàn thành xây dựng NTM (năm 2020), giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản giảm chỉ còn 28,5%; công nghiệp xây dựng tăng đến 50,0%;  thương mại dịch vụ tăng 21,5%.

Dù tỷ trọng sản xuất của ngành nông nghiệp giảm, nhưng nhờ tổ chức sản xuất tốt, nên giá trị kinh tế tăng cao, góp phần cải thiện đời sống của nông dân.

Toàn huyện Tuy Phước hiện có 14 HTX nông nghiệp, các HTX ngoài làm các dịch vụ như: thủy lợi, vật tư nông nghiệp, liên kết sản xuất lúa giống, làm đất, cuốn rơm; còn vươn ra hoạt động sản xuất, kinh doanh các ngành nghề khác như: dịch vụ xăng dầu, điện, tín dụng nội bộ, hàng năm giải quyết việc làm cho hơn 2.500 lao động; mỗi HTX đạt doanh thu bình quân 7,2 tỷ đồng/năm. Theo đó, thu nhập bình quân của thành viên HTX là 3 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân HTX nông nghiệp là 4,2 triệu đồng/người/tháng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Quyết định công nhận huyện Tuy Phước (Bình Định) đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: V.Đ.T

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Quyết định công nhận huyện Tuy Phước (Bình Định) đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: V.Đ.T

Về phát triển các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, trong lĩnh vực trồng trọt, Tuy Phước là huyện trọng điểm sản xuất lúa của tỉnh Bình Định, có thế mạnh trong liên kết sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa chất lượng cao. Vì vậy, trong thời gian qua, huyện Tuy Phước tập trung chỉ đạo chuyển đổi 100% diện tích từ sản xuất 3 vụ lúa/năm sang 2 vụ lúa/năm, sử dụng giống lúa xác nhận, nguyên chủng đạt gần 100%.

Đồng thời, hàng năm đưa các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất; ứng dụng các quy trình tiên tiến SRI, ICM, chương trình 3 giảm 3 tăng vào sản xuất, đã mang lại hiệu quả bước đầu. Năng suất lúa và các loại cây trồng đều tăng, ổn định về năng suất, chất lượng; năng suất lúa bình quân năm 2020 đạt 70,7 tạ/ha, tăng 5,7 tạ/ha so với năm 2011.

Đến nay, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt 4 dự án cánh đồng lớn trên cây lúa, 3 cánh đồng liên kết sản xuất lúa giống với tổng diện tích 750 ha. Hiện ở Tuy Phước có 12/14 HTX nông nghiệp liên kết sản xuất lúa giống với các công ty, tập đoàn sản xuất giống cây trồng, như: Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Seed, Công ty CP Tập đoàn VinaSeed, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, Công ty Vật tư nông nghiệp An Giang, Công ty Giống cây trồng Miền Nam. Hàng năm, huyện Tuy Phước liên kết sản xuất lúa giống trên 1.200ha gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị; cung ứng cho các công ty tham gia liên kết từ 5.000-7.000 tấn lúa giống/năm, lợi nhuận đạt từ 10 tỷ đến 12 tỷ đồng.

Cánh đồng lớn liên kết sản xuất lúa giống của Tập đoàn ThaiBinh Seed sản xuất giống BC15 mới chuyển gen kháng đạo ôn tại HTX Nông nghiệp Phước Hưng (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T

Cánh đồng lớn liên kết sản xuất lúa giống của Tập đoàn ThaiBinh Seed sản xuất giống BC15 mới chuyển gen kháng đạo ôn tại HTX Nông nghiệp Phước Hưng (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T

“Ngoài ra, huyện Tuy Phước còn quy hoạch vùng sản xuất rau, màu các loại với quy mô 700 ha, thành lập 10 nhóm nông dân sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 13,4 ha; liên kết với HTX Nông nghiệp Phước Hiệp để sản xuất tiêu thụ rau an toàn. Sản lượng rau các loại nhập vào nhà sơ chế hàng năm trên 150 tấn, lợi nhuận đạt từ 50-75 triệu đồng/năm, đang hướng đến thành lập HTX rau an toàn Phước Hiệp. Bên cạnh đó, Tuy Phước còn đang xây dựng và triển khai đề án làng nghề trồng hoa Bình Lâm gắn phát triển du lịch; ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất trên cơ sở tổ chức sản xuất và quản lý theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, tăng thu nhập cho người trồng hoa”, ông Huỳnh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước phấn khởi cho biết.

Phát huy thế mạnh

Phát triển song song với ngành trồng trọt là ngành chăn nuôi, 1 trong những nguồn thu nhập chính của nông dân huyện Tuy Phước. Trong năm 2020, đàn bò của Tuy Phước đạt 16.100 con, trong đó bò lai chiếm trên 80%; đàn lợn 30.000 con, đàn gia cầm 1,75 triệu con.

Đặc biệt, trên địa bàn huyện có Công ty TNHH Giống Gia cầm Minh Dư có các cơ sở sản xuất trong và ngoài huyện với quy mô diện tích trên 150ha. Công ty có hệ thống chăn nuôi, ấp trứng theo công nghệ hiện đại của châu Âu; tự động hóa được áp dụng trong hệ thống chuồng trại, máy ấp nở, hệ thống kiểm soát dịch bệnh, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Giống gà ta mang thương hiệu Minh Dư đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận độc quyền cung ứng cho thị trường toàn quốc và xuất khẩu.

Bình quân mỗi năm Công ty Minh Dư cung cấp ra thị trường khoảng 100 triệu con gà giống thương phẩm 1 ngày tuổi, chiếm khoảng 20% thị phần cả nước, là 1 trong 4 doanh nghiệp gà lông màu lớn nhất Việt Nam và là doanh nghiệp dẫn đầu về giống gà thả vườn. Đây là điều kiện thúc đẩy chăn nuôi gia cầm trên địa bàn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

Với lợi thế các xã khu Đông giáp với đầm Thị Nại, huyện Tuy Phước còn phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản nước lợ, là địa phương có nhiều diện tích nuôi tôm nhất tỉnh Bình Định. Diện tích mặt nước được huyện Tuy Phước đưa vào nuôi trồng thủy sản là hơn 1.000ha; sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đến năm 2020 là 6.190 tấn.

Đến nay, huyện Tuy Phước đã xây dựng và thực hiện thành công 3 mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học, đạt hiệu quả kinh tế cao. Đó là mô hình nuôi tôm sú kết hợp với cá chua quy mô 19,5ha với 15 hộ tham gia ở xã Phước Sơn; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp cá rô phi quy mô 23,5ha với 40 hộ tham gia ở xã Phước Thắng và mô hình nuôi cua xanh thương phẩm quy mô 0,5ha với 1 hộ tham gia ở xã Phước Thuận, sản lượng đạt 1.000kg, lợi nhuận 30 triệu đồng sau 5 tháng nuôi.

Sản xuất rau an toàn VietGAP tại HTX Nông nghiệp Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T

Sản xuất rau an toàn VietGAP tại HTX Nông nghiệp Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T

Dù là huyện đồng bằng, nhưng Tuy Phước có thế mạnh về sản xuất giống cây lâm nghiệp. Trên địa bàn huyện có 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, trong đó có 2 cơ sở ứng dụng sản xuất giống cây lâm nghiệp theo phương thức nuôi cấy mô; hàng năm cung cấp trên 30 triệu hom giống keo lai và giống cây lâm nghiệp nuôi cấy mô phục vụ cho công tác trồng rừng trong và ngoài tỉnh. Giá trị sản xuất giống cây lâm nghiệp ở Tuy Phước trong năm 2019 đạt 36,357 tỷ đồng, năm 2020 đạt 43,9 tỷ đồng.

Theo ông Huỳnh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, hiệu quả, nên sau gần 10 năm xây dựng NTM, thu nhập của người dân Tuy Phước đã tăng lên đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Nếu như năm 2011 thu nhập bình quân đầu người của người dân Tuy Phước đạt 18,8 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo 9,84%, thì đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 45,8 triệu đồng/người/năm, tăng 27 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,92%, giảm 7,92% so với năm 2011.

Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Seed liên kết sản xuất và thu mua lúa giống của nông dân HTX Nông nghiệp Phước Quang (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T

Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Seed liên kết sản xuất và thu mua lúa giống của nông dân HTX Nông nghiệp Phước Quang (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T

“Đến năm 2020, huyện Tuy Phước đã có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 5 sản phẩm được công nhận 3 sao, đó là sản phẩm dưa lê của Công ty TNHH Gia Vị Nhiệt Đới ở xã Phước Hưng; sản phẩm rau an toàn của HTX Nông nghiệp Phước Hiệp; sản phẩm hoa cúc chậu của hộ ông Nguyễn Ngọc Tùng ở xã Phước Hòa; sản phẩm nem chả chợ huyện của cơ sở Bảy Liêm ở thôn Hanh Quang (xã Phước Lộc) và sản phẩm bánh ít lá gai của cơ sở Bà Dự ở khu phố Trung Tín 1 (thị trấn Tuy Phước). Đặc biệt có sản phẩm gà giống của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư được đánh giá là sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao năm 2019, đang hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia”, ông Huỳnh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.