Trung tâm nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia cầm Vigova lai tạo những giống gia cầm mới có khả năng chịu nhiệt tốt không chỉ giúp vật nuôi thích ứng tốt với môi trường mà còn giúp người chăn nuôi tránh được nhiều thiệt hại.
Lai tạo những giống gia cầm mới có khả năng chịu nhiệt tốt không chỉ giúp vật nuôi thích ứng tốt với môi trường mà còn giúp người chăn nuôi tránh được nhiều thiệt hại.
Biến đổi khí hậu và thời tiết bất thường đang tác động trực tiếp đến việc chăn nuôi của người dân, trong đó có chăn nuôi gia cầm. Nhờ đó, người chăn nuôi có thể tránh được những thiệt hại không mong muốn xảy ra và hạn chế sử dụng kháng sinh hoặc phát sinh nhiều chi phí trong quá trình sản xuất.
Trong những năm qua, Trung tâm nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia cầm Vigova đã nghiên cứu thành công và xuất bán ra ngoài thị trường nhiều sản phẩm gia cầm thích ứng với biến đổi khí hậu. Không chỉ cải thiện về mặt sản lượng, những sản phẩm này còn đáp ứng tốt về yêu cầu nhiệt độ và môi trường nuôi ngày càng khắc nhiệt.
Phỏng vấn Thạc sĩ Nguyễn Đức Thỏa, Trưởng trạm Nghiên cứu giống gia cầm Vigova:Hiện nay chúng tôi đang kết hợp giữa di truyền phân tử và di truyền số lượng để chọn ra những con gà có gene chịu nhiệt cao để đáp ứng, nâng cao khả năng chịu nhiệt cũng như là chống chọi với cái tác động của môi trường. Từ đó thì cũng giúp con gà sẽ ít bệnh tật và sẽ phát triển tốt hơn.
Phỏng vấn Tiến sĩ Hoàng Tuấn Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia cầm Vigova: Thay vì phải nuôi ở trong chuồng lạnh, nuôi trong chuồng bảo ôn, chuồng kín thì chúng tôi có thể nuôi trong những vùng khó khăn.Ví dụ như là Ninh Thuận đến vùng khô hạn, những vùng nhiệt độ cao mà vẫn năng suất vẫn đảm bảo.
Bên cạnh những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, ngành chăn nuôi cũng đặt ra nhiều thách thức cho vấn đề bảo vệ môi trường và phát thải khí nhà kính.
Thời gian qua, Bộ NN-PTNT khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp chăn nuôi phát triển theo quy mô công nghiệp, năng suất cao và sản lượng lớn. Tuy nhiên, chăn nuôi nông hộ vẫn ở mức cao.
Do đó,ngành chăn nuôi cũng đang nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất mới như: thực hành chăn nuôi tốt VietGAP, chăn nuôi an toàn sinh học, mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn bền vững… nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Không chỉ thế, việc đưa các giống mới với nhiều ưu điểm thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nhiệt cũng giúp Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ đạt mục tiêu của Chính phủ trong phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Phỏng vấn PGS.TS Chu Mạnh Thắng, Trưởng phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, Viện Chăn nuôi: Chúng tôi cũng đang tập trung nhiều giải pháp tổng thể để làm sao phối hợp với người chăn nuôi có được cái môi trường xanh, sạch. Đặc biệt là mang tính chất là theo hướng hữu cơ, chăn nuôi theo hướng tuần hoàn. Đây là những cái giải pháp mang tính bền vững, cụ thể cho Việt Nam hiện nay và cũng như trong tương lai.
Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu không chỉ giúp ngành chăn nuôi giảm tác động trên đàn vật nuôi mà còn giúp việc sản xuất được bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế hơn. Ngoài việc lai tạo những giống gia cầm thích ứng với bất lợi từ thời tiết, ngành chăn nuôi cũng đang nghiên cứu những giống vật nuôi đặc sản, để giúp chăn nuôi nông hộ nâng cao giá trị kinh tế và được bền vững hơn.