Những năm gần đây, ngành chăn nuôi gia cầm tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Tuy nhiên, với biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, việc chọn lựa giống gà thích nghi tốt với môi trường rất quan trọng.
Trong bối cảnh này, giống gà thịt lông màu VLV đang trở thành một trong những lựa chọn cho các đơn vị chăn nuôi. Với khả năng sinh trưởng tốt trong môi trường có nhiệt độ và độ ẩm cao, giống gà này có thể chịu được những điều kiện khắc nghiệt.
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Gia cầm VIGOVA (Trung tâm VIGOVA) hiện đang nuôi dưỡng gần 20.000 con giống gà thịt lông màu VLV bố mẹ. Thạc sĩ Nguyễn Đức Thỏa, Trạm trưởng Trung tâm VIGOVA cho biết: “Hiện tại, giống gà này đáp ứng được hầu hết các nhu cầu của bà con nông dân, đặc biệt là khu vực Đông Nam bộ. Ngoài đặc điểm về khả năng thích ứng nóng, những con gà này còn có khả năng thích ứng khi được nuôi ở môi trường kín, với nhiều kiểu chuồng trại”.
Giống gà VLV cho năng suất trứng từ 180 - 200 quả/năm, tỷ lệ ấp nở đạt từ 86 - 88%. Trọng lượng của gà thương phẩm trong 60 ngày lên đến 1,8kg, tiêu tốn thức ăn từ 2,4 - 2,6kg.
Ông Hoàng Tuấn Thành, Giám đốc Trung tâm VIGOVA chia sẻ: “Thông thường, nếu đàn gà cho năng suất đẻ trứng đạt 200 quả phải đảm bảo nhiều điều kiện về nhiệt độ, chuồng trại. Tuy nhiên, giống gà VLV, dù nuôi ở điều kiện khác nhau như trong chuồng lạnh, chuồng kín, hay những địa phương có khí hậu nóng như Ninh Thuận, Bình Thuận thì vẫn đảm bảo cho ra sản lượng như ý”.
Thời gian tới, Trung tâm VIGOVA sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan chuyển giao các giống gà lông màu VLV đạt năng suất cao cho các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.
“Chúng tôi đang kết hợp giữa công nghệ di truyền phân tử và di truyền số lượng để tiếp tục nâng cao chất lượng giống gà này, từ đó giúp con gà ít bệnh tật và phát triển tốt hơn”, Thạc sĩ Nguyễn Đức Thỏa cho biết.
Theo ông Hoàng Tuấn Thành, Giám đốc Trung tâm VIGOVA, đơn vị đã cung ứng giống gà VLV cho trên 20 công ty giống thuộc các tỉnh thành phía Nam và đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ bà con nông dân.
“Sau nhiều năm nghiên cứu, chúng tôi có thể khẳng định về mặt công nghệ cũng như về chất lượng con giống. Chúng tôi đã hoàn toàn làm chủ và sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hơn nữa theo định hướng của Bộ NN-PTNT là chăn nuôi thích ứng biến đổi khí hậu, chăn nuôi tuần hoàn, chăn nuôi công nghệ cao”, ông Hoàng Tuấn Thành thông tin.
Cũng theo ông Thành, trong thời gian sắp tới, trung tâm sẽ tiếp tục chọn lọc, nâng cao chất lượng giống gà VLV, làm thế nào để cho các hộ nông dân, các vùng khó khăn có khí hậu khắc nghiệt, khả năng đầu tư hạn chế, nhưng vẫn tiếp cận được con giống và từ con giống này có thể sản xuất tại địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế.
Ngoài việc nâng tầm và phổ rộng giống gà VLV đến bà con nông dân, Trung tâm VIGOVA còn chú trọng đến việc bảo đảm an toàn dịch bệnh trong đàn vật nuôi, đặc biệt hướng tới phát triển chuồng trại theo hướng chăn nuôi tuần hoàn, nhằm tạo ra những mô hình nuôi hữu cơ gắn với thiên nhiên.
“Khi chuyển giao giống đi các nơi, chúng tôi đã xây dựng các quy trình và khuyến cáo cụ thể, rõ ràng yêu cầu về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh cũng như cách sử dụng vacxin kèm theo đúng cách. Nếu hộ chăn nuôi áp dụng theo đúng quy trình, tôi đảm bảo đàn vật nuôi sẽ hoàn toàn có thể chịu được môi trường, khí hậu khắc nghiệt và chống chọi tốt nếu dịch bệnh xảy ra”, Thạc sĩ Nguyễn Đức Thỏa khẳng định.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng và tác động tiêu cực, việc áp dụng các phương pháp lai tạo, nâng tầm và phát triển giống gia cầm, cụ thể là giống gà VLV đang trở thành xu hướng chung của ngành chăn nuôi. Điều này không chỉ giúp bà con nông dân tăng cường hiệu quả sản xuất, mà còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy chăn nuôi bền vững.
Ngoài giống gà VLV, Trung tâm VIGOVA có hệ thống các trại giống vịt và trạm ấp trứng, nuôi giữ và chọn lọc nhiều dòng gia cầm thuần chủng. Mỗi năm trung tâm VIGOVA chuyển giao ra sản xuất 4 triệu con giống gia cầm 1 ngày tuổi, bao gồm cấp giống ông bà, bố mẹ và thương phẩm phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp.