Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Sầu riêng Đắk Lắk đối mặt nhiều vấn đề. Việt Nam chi 670 triệu USD nhập khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm. Ngăn chặn 2 tàu giã cào khai thác hải sản trái phép.
Cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính
Phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2024 khối văn phòng bộ, sáng 2/7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, các đơn vị thuộc khối văn phòng tiếp tục khắc phục khó khăn, hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới công tác cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xóa bỏ ngay tình trạng chây ì, chậm trễ, máy móc… khi nhận và triển khai nhiệm vụ; tạo động lực, không gian thông thoáng cho các hoạt động của bộ, ngành, người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông chủ trương, chính sách, hoạt động của Bộ, ngành đã làm tốt cần tiếp tục làm tốt hơn để tạo động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững, khẳng định vị thế của ngành nông nghiệp.
Sáng nay, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị triển khai ngành hàng sầu riêng niên vụ năm 2024.
Đắk Lắk là tỉnh có diện tích lớn nhất vùng Tây Nguyên cũng như cả nước với gần 32.800ha. Hiện địa phương đã cấp 266 mã số vùng trồng với tổng diện tích gần 7.300 ha. Trong đó có 68 mã số vùng trồng với diện tích hơn 2.500 ha đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt và 198 vùng trồng với diện tích gần 4.800ha đang chờ phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Tỉnh Đắk Lắk cũng được cấp 23 cơ sở đóng gói.
Bước vào mùa vụ 2024, Đắk Lắk đang đối mặt nhiều khó khăn như: vùng sản xuất sầu riêng còn manh mún,nhỏ lẻ, phân tán; bên cạnh đó một số huyện vẫn còn tình trạng người dân trồng sầu riêng trên những vùng đất chưa phù hợp, chưa đảm bảo nước tưới.
Một số vùng trồng chưa duy trì tốt các yêu cầu kỹ thuật như lạm dụng thuốc BVTV, phân bón và thu hoạch sầu riêng non dẫn đến trong thời gian qua một số lô hàng sầu riêng xuất khẩu đã có cảnh báo vi phạm về kiểm dịch thực vật và ATTP đặc biệt là cảnh bảo về Cadimi.
Việt Nam chi 670 triệu USD nhập khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm
Minh Phúc khai thác
Dù là quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới nhưng nước ta vẫn nhập khẩu một số sản phẩm gạo để phục vụ nhu cầu sản xuất chế biến và làm thức ăn chăn nuôi. Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong nửa đầu năm nay, nước ta phải chi ra khoảng 670 triệu USD để nhập khẩu gạo.
Trong năm 2023, nước ta cũng chi gần 860 triệu USD để nhập khẩu gạo từ các quốc gia. Trong đó, chủ yếu nhập khẩu từ Campuchia và Ấn Độ.
Các chuyên gia và doanh nghiệp cho biết, sản xuất lúa gạo của Việt Nam đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đảm bảo an ninh lương thực và dư lượng lớn gạo để xuất khẩu. Tuy nhiên, nước ta vẫn nhập khẩu một số sản phẩm gạo từ các quốc gia để phục vụ nhu cầu sản xuất chế biến và làm thức ăn chăn nuôi.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho biết: “Việc xuất nhập khẩu gạo trong giao thương quốc tế là việc hết sức bình thường!”.
Ngăn chặn 2 tàu giã cào khai thác hải sản trái phép
Thanh Nga sx
Lực lượng Đồn Biên phòng Lạch Kèn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh vừa phát hiện, bắt giữ 2 tàu cá đánh bắt hải sản trái phép tại vùng biển huyện Nghi Xuân. Theo đó, vào khoảng 19 giờ ngày 30/6, trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên vùng biển thuộc xã Đan Trường, lực lượng chức năng phát hiện 2 tàu cá mang BKS: NA 93333 TS có chiều dài 19,5m do ông Dương Văn Giang (SN 1980) làm thuyền trưởng và NA 94444 TS có chiều dài 19,6m do ông Dương Văn Sơn (SN 1975) làm thuyền trưởng, tất cả đều trú tại phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, đang có hành vi khai khai thác hải sản sai vùng biển quy định.
Do các phương tiện vi phạm có công suất lớn, Đồn Biên phòng Lạch Kèn đã phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Lò – Bến Thủy (BĐBP tỉnh Nghệ An) đưa 2 tàu cá về neo đậu tại khu vực cảng Cửa Lò để hoàn tất hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật.