Việt Nam có thể thu về hàng nghìn tỷ đồng từ tín chỉ các bon. Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục gần 4,8 tỷ USD. Nông sản Việt xuất khẩu sang Trung Quốc đạt hơn 11 tỷ USD. Đồng Tháp có hơn 450 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên.
Việt Nam có thể thu về hàng nghìn tỷ đồng từ tín chỉ các bon
Khai thác
Việt Nam có hơn 14,7 triệu ha rừng, đạt tỷ lệ che phủ 42,02% và được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng với các dự án về tín chỉ các bon rừng. Theo các nhà phân tích, rừng Việt Nam có thể tạo ra khoảng 50-70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư, tạo nguồn thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng nếu xuất khẩu thành công.
Đáng chú ý, năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ các bon rừng và thu về 51,5 triệu USD (tương đương 1.250 tỷ đồng). Đầu tháng 8/2023, Ngân hàng Thế giới đã thanh toán tiền thỏa thuận chi trả phát thải nhà kính đợt 1 cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là 41,2 triệu USD (tương đương 997 tỷ đồng), đạt 80% kết quả giảm phát thải theo thỏa thuận đã ký. Số tiền còn lại 10,3 triệu USD tương đương 249 tỷ đồng sẽ thanh toán sau khi hoàn thành việc chuyển giao 10,3 triệu tấn các bon rừng.
XUẤT KHẨU GẠO ĐẠT KỶ LỤC GẦN 4,8 TỶ USD
Khai thác
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, sản lượng lúa cả nước đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022. Giá trị xuất khẩu gạo đã đạt kỷ lục với 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so với năm 2022.
Năm 2024, sản lượng gạo toàn cầu dự kiến đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn. Đồng thời, mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Như vậy, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 5 triệu tấn gạo trong năm tới. Lượng gạo tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn. Trong khi Ấn Độ, nhà xuất khẩu 40% tổng lượng gạo thế giới, có thể sẽ duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo trong năm 2024. Do đó nhiều khả năng, giá gạo toàn cầu sẽ vẫn duy trì ở mức cao kỷ lục kể từ sau cuộc khủng hoảng gạo năm 2008. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao 640 - 650 USD/tấn trong những tháng đầu năm.
NÔNG SẢN VIỆT XUẤT KHẨU SANG TRUNG QUỐC ĐẠT HƠN 11 TỶ USD
Khai thác
Theo Bộ NN-PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 11 tháng năm 2023 của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 11,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 23,2% tổng giá trị xuất khẩu. Thực hiện cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN, đến nay, Trung Quốc đã giảm thuế cho hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó có nông sản trái cây tươi mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn này.
Hiện nay, nước này đã cấp phép cho 14 mặt hàng rau quả của Việt Nam như: nhãn, vải, xoài, sầu riêng, dưa hấu, chuối… Có trên 800 cơ sở chế biến thủy sản, 57 cơ sở đóng gói thủy sản sống, trong đó có 46 cơ sở đóng gói cua, tôm hùm sống. Đã có 28 loại sản phẩm và 48 loài thủy sản của Việt Nam đã được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.
ĐỒNG THÁP CÓ HƠN 450 SẢN PHẨM OCOP 3 SAO TRỞ LÊN
Khai thác
UBND tỉnh Đồng Tháp vừa quyết định công nhận kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm 4 sao OCOP năm 2023. Theo đó, tỉnh này công nhận kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm 4 sao OCOP đối với 40 sản phẩm của 13 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Tính đến nay, Đồng Tháp có 453 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên gồm 1 sản phẩm 5 sao, 86 sản phẩm 4 sao, 366 sản phẩm 3 sao của 175 chủ thể.
Từ năm 2023, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản OCOP cấp huyện đã tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; ban hành quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt OCOP 3 sao và tổ chức công bố kết quả.