Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện Agritechnica Asia Live 2022. Cà Mau miễn 100% cước thuê bao dịch vụ giám sát hành trình tàu cá. Bắc Giang phấn đấu có 2ha vải đầu tiên đạt chuẩn hữu cơ trong năm 2023. Giá urê giảm nhẹ.
VIỆT NAM SẼ ĐĂNG CAI SỰ KIỆN ‘TRỒNG TRỌT THÔNG MINH CHÂU Á’ 2022
Tại triển lãm Agritechnica Asia Live 2022 -Trồng trọt Thông minh châu Á ở Thái Lan, Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông báo Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức sự kiện Agritechnica Asia Live 2022 -Trồng trọt Thông minh châu Á tại Đồng bằng sông Cửu Long với chủ đề “Cơ giới hóa đồng bộ tiến tới sản xuất nông nghiệp bền vững” vào các ngày 24-26/8/2022.Theo thứ trưởng, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp là cơ sở để có thể xây dựng được các chuỗi giá trị nông sản có sự liên kết, hợp tác sản xuất giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân theo quy trình cơ giới hóa đồng bộ và phát triển bền vững. Dự kiến, tại sự kiện sẽ có phần trình diễn cơ giới hóa tại các địa phương của ĐBSCL để người nông dân có thể tiếp cận với công nghệ mới. Ngoài ra, Agritechnica Asia Live 2022 -Trồng trọt Thông minh châu Á sẽ có phần triển lãm các máy móc, công nghệ mới trong đó có nhiều sản phẩm, sáng kiến của những viện, trường thuộc Bộ NN-PTNT.
Từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2026, tất cả những phương tiện khai thác, đánh bắt thủy hải sản gắn thiết bị giám sát hành trình trên địa bàn tỉnh Cà Mau được miễn 100% cước phí thuê bao dịch vụ giám sát hành trình.Theo đó, các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách này là các tổ chức, cá nhân có phương tiện đánh bắt thủy sản và tàu hậu cần dịch vụ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và được cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định. Việc miễn cước phí thiết bị giám sát hành trình tàu cá, không chỉ giảm bớt phần nào khó khăn cho ngư dân, nhất là khi giá xăng dầu đang tăng cao hiện nay, mà qua đó còn giúp các cơ quan chức năng tăng cường năng lực quản lý trong lĩnh vực khai thác thủy sản trên các vùng biển. Nâng cao hiệu quả công tác chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
BẮC GIANG PHẤN ĐẤU CÓ 2HA VẢI ĐẦU TIÊN ĐẠT CHUẨN HỮU CƠ TRONG NĂM 2023
Đến năm 2022, Bắc Giang có diện tích vải trên 28 nghìn ha. Trong đó, diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.200 ha, chiếm 54% tổng diện tích; vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc có diện tích 218 ha; vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản có diện tích gần 270 ha. Mặc dù vậy đến nay, toàn tỉnh vẫn chưa có diện tích vải nào chính thức được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bắc Giang, những năm trước, Bắc Giang mới chỉ có 83 ha vải được cấp chứng chỉ GlobalGAP, tuy nhiên, do hiệu lực của chứng chỉ này chỉ trong vòng 1 năm phải cấp lại, nên năm 2022 này, toàn tỉnh chỉ còn 20ha vải có chứng nhận GlobalGAP còn hiệu lực.Bắc Giang hiện đang tích cực phối hợp với địa phương, doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào nhằm xây dựng một số mô hình hạt nhân, phấn đấu năm 2023 có 2ha vải đầu tiên đạt chuẩn để cấp chứng nhận hữu cơ, qua đó nhân rộng ra sản xuất.
GIÁ URÊ GIẢM NHẸ
Tại nhiều tỉnh vùng ĐBSCL giá các loại phân đạm (Urê) như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Urê Ninh Bình và một số loại Urê nhập khẩu từ Trung Quốc được bán lẻ ở mức 815.000-880.000 đồng/bao. Mức giá này đã giảm khoảng 65.000-70.000 đồng/bao so với cách nay khoảng 2 tháng. Tuy nhiên, giá này vẫn đang cao hơn rất nhiều so mức giá 530.000-540.000 đồng/bao của cùng kỳ năm 2021, còn cùng kỳ năm 2020 giá chỉ 340.000-350.000 đồng/bao.Trong khi đó, nhiều loại phân bón khác như DAP, Kali, NPK… tiếp tục đứng giá ở mức cao do còn phụ thuộc nhiều vào các nguyên nhiên liệu và nguồn hàng nhập khẩu.