Việt Nam thu về 1,2 tỷ USD trong 1 tháng nhờ xuất khẩu rau quả. Hỗ trợ 5 tấn ngô giống cho vùng lũ Tuyên Quang. Việt Nam chi hơn 1,2 tỷ USD nhập khẩu thịt trong 9 tháng. Đất lúa vùng ĐBSCL và giải pháp sử dụng phân bón hiệu quả.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 9, xuất khẩu rau quả thu về gần 1,2 tỷ USD, tăng mạnh gần 73% so với tháng cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, ngành hàng rau quả ghi nhận kim ngạch xuất khẩu 1 tháng vượt mốc 1 tỷ USD.
Tính đến hết tháng 9, xuất khẩu rau quả mang về gần 5,7 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái và chính thức xô đổ kỷ lục lịch sử 5,6 tỷ USD của cả năm ngoái.
Trong khuôn khổ lễ hội trái cây Việt Nam đang diễn ra tại Trung Quốc, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc được dự báo đạt 4,5-5 tỷ USD trong cả năm 2024.
Hỗ trợ 5 tấn ngô giống cho vùng lũ Tuyên Quang
Đào Văn Thanh
Hội Hóa chất nông nghiệp thành phố Hà Nội (HACAS) vừa phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam và Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang tổ chức trao tặng ngô giống, gạo, phân bón và học bổng cho người dân vùng lũ ở Tuyên Quang.
Theo đó, các đơn vị đã thực hiện trao tặng 5 tấn hạt giống ngô lai CS71, 1 tấn gạo, 1 tấn phân bón và 54 xuất học bổng cho người dân và học sinh vùng bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi thiên tai tại các xã Đức Ninh, Bình Xa, huyện Hàm Yên; Yên Nguyên, Trung Hòa, Tri Phú, Linh Phú của huyện Chiêm Hóa.
Những phần quà là ngô giống, gạo, phân bón và học bổng của các đơn vị trao tặng, góp phần hỗ trợ cho nhân dân Tuyên Quang vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục vụ sản xuất, ổn định đời sống vươn lên trong lao động sản xuất và học tập.
Việt Nam chi hơn 1,2 tỷ USD nhập khẩu thịt trong 9 tháng
Minh Phúc khai thác
Bộ NN-PTNT cho hay, hết tháng 9 năm nay, nước ta đã chi 1,24 tỷ USD để nhập khẩu thịt và phụ phẩm động vật dùng làm thực phẩm, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm mặt hàng này được nhập chủ yếu từ Ấn Độ, Mỹ, Nga, Đức và Hàn Quốc.
Đáng lưu ý, tính từ ngày 16/5, khi Thông tư số 04 có hiệu lực đến ngày 25/9, đã phát hiện 55 lô hàng nhập khẩu dương tính với Salmonella (vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, sốt... ) trên tổng số 6.679 lô hàng xét nghiệm Salmonella, chiếm gần 1%.
Cũng theo Bộ NN-PTNT, nếu không xét nghiệm Salmonella, đã có gần 1.320 tấn thịt bị nhiễm Salmonella được nhập khẩu vào Việt Nam, nguy cơ rất cao gây ra dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Đất lúa vùng ĐBSCL và giải pháp sử dụng phân bón hiệu quả
Sản xuất: Lê Hoàng Vũ – Hồ Thảo
Ngày 2/10, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam và Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền tổ chức Hội thảo Quốc gia “Đất và phân bón” lần thứ nhất năm 2024, với chủ đề “Thực trạng độ phì nhiêu đất lúa vùng ĐBSCL và giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong canh tác lúa”.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng, Cục Trồng trọt, với diện tích đất trồng lúa ở ĐBSCL gieo trồng trên 3 triệu ha/năm, hàng năm vùng ĐBSCL đóng góp 50% tổng sản lượng gạo và 90% lượng gạo xuất khẩu. Hiện đất lúa ĐBSCL hiện đang phải đối mặt với tình trạng mất cân đối dinh dưỡng do khai thác đất chưa đúng cách. Việc tăng cường độ thâm canh, tăng vụ, sử dụng phân bón vô cơ chưa cân đối, chưa tuân thủ các quy trình canh tác tiên tiến đã làm mất cân bằng dinh dưỡng trong đất, làm ảnh hưởng đến các tính chất lý, hóa và sinh học đất…
Từ cơ sở thực trạng nêu trên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là giảm lượng giống (còn dưới 80kg/ha), ứng dụng công nghệ sạ hàng, tuân thủ quy trình rút nước ướt khô xen kẽ, không đốt đồng, mà đem rơm sau khi thu hoạch để phục vụ mục đích khác…