Việt Nam xuất khẩu lô ô tô điện đầu tiên ra thế giới. Doanh nghiệp nông sản hợp tác khai thác lợi thế FTA. Nhiều loại trái cây tăng giá gấp ba lần. Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
VIỆT NAM XUẤT KHẨU LÔ Ô TÔ ĐIỆN ĐẦU TIÊN RA THẾ GIỚI
Ngày 25/11 tại Cảng MPC Port, Hải Phòng, Công ty VinFast (Tập đoàn Vingroup) tổ chức Lễ xuất khẩu lô ô tô điện thông minh đầu tiên, gồm 999 chiếc VF 8 ra thị trường quốc tế.Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và tích cực hội nhập quốc tế. Ngành công nghiệp ô tô, ô tô điện hiện là một trong những ngành đi đầu, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ, phát triển công nghiệp ô tô cũng là mong muốn của hầu hết các quốc gia trên thế giới và Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ô tô.Đây là lô xe đầu tiên xuất khẩu ra thị trường quốc tế trong số 65.000 đơn đặt hàng xe điện VinFast VF 8 và VF 9 trên toàn cầu.
DOANH NGHIỆP NÔNG SẢN HỢP TÁC KHAI THÁC LỢI THẾ FTA
Chiều 25/11, tại TP.HCM, Bộ Công Thương và Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP.HCM hội thảo “Đánh giá tình hình tận dụng EVFTA, một số FTA khác và kiến nghị giải pháp”.Theo Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại Đa biên, Bộ Công Thương, việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới - FTA đã giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2021 đối với thuỷ sản đạt 8,9 tỷ USD, nông sản đạt 17 tỷ USD, gạo đạt 3,3 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,8 tỷ USD…Ông Khanh cho rằng, khi tham gia các hiệp định FTA, Việt Nam còn có nhiều cơ hội lớn để xuất khẩu sang EU các mặt hàng rau quả tươi, rau củ quả chế biến; thuỷ sản và gạo. Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội này, đòi hỏi các doanh nghiệp cần hợp sức xây dựng thương hiệu Việt Nam, từ đó tăng tỷ trọng các thị trường FTA thế hệ mới tận dụng tối đa lợi thế mà các FTA mang lại.
NHIỀU LOẠI TRÁI CÂY TĂNG GIÁ GẤP BA LẦN
Ghi nhận tại một số cửa hàng trái cây trên địa bàn TP.HCM, măng cụt tăng giá gấp ba lên 230.000-250.000 đồng/kg. Giá chôm chôm, xoài cát Hòa Lộc, chuối tăng gấp đôi, lần lượt đạt 70.000 đồng, 130.000 đồng và 25.000 đồng/kg. Riêng sầu riêng tăng 20% so với chính vụ, lên 90.000-120.000 đồng/kg.Nhờ giá nhiều loại trái cây tăng cao, các hộ trồng ở ĐBSCL đã có lãi trở lại sau ba năm thua lỗ vì ảnh hưởng Covid-19.Lý giải giá trái cây tăng mạnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, cho rằng hàng loạt thông tin trái cây Việt được xuất chính ngạch sang Trung Quốc là một trong những yếu tố tích cực giúp giá sầu riêng, chuối tăng cao.Ngoài ra, theo các thương nhân thu mua trái cây, do hàng trái vụ, nguồn cung thấp nên giá liên tục đi lên. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, năm nay sản lượng nhiều loại trái cây giảm 10-20%.
QUẢN LÝ RỦI RO THIÊN TAI DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG
Nhằm “nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” Ngày 25/11, Chi cục Trồng trot, BVTV và Thủy Lợi tỉnh Đồng Nai tổ chức lớp tập huấn trao đổi kinh nghiệm trong công tác Phòng chống thiên tai - TKCN tai tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương trong tỉnh. Theo ông Vũ Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trot, BVTV và Thủy Lợi tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2022 đến nay đã xảy ra 10 trận thiên tai, làm thiệt hại 49 căn nhà và 2 phòng học bị tốc mái; trên 1.000 căn nhà bị ngập; 55 ha lúa ngã đổ, ngập 59 ha ao nuôi trồng thuỷ sản, thiệt hại ước tính khoảng 6 tỷ đồng. Trong 3 năm từ 2019 đến 2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy nhiều đợt thiên tai, ước tổng thiệt hại trung bình mỗi năm khoảng 256 tỷ đồng.Ngành chuyên môn tỉnh cũng tổ chức đi thực địa, trao đổi kinh nghiệm với các địa phương về công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai nhằm giúp các cán bộ chuyên môn địa phương củng cố kiến thức trong nội dung chương trình tập huấn.