Vườn sầu riêng mất mùa vì bụi đỏ ở Đồng Nai. Cá chết nổi dày đặc mặt kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. 3 dự án FDI tạo xung lực phát triển nông, lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn. Sóc Trăng: Lo ngại phát sinh dịch bệnh trên tôm nuôi.
VƯỜN SẦU RIÊNG, CHÔM CHÔM MẤT MÙA VÌ BỤI ĐỎ Ở ĐỒNG NAI
(Minh Sáng - Lê Bình)
Mặc dù những trái sầu riêng Ri6 tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) đã 65 ngày tuổi nhưng vẫn bị rụng rất nhiều. Nguyên nhân được cho là ảnh hưởng do bụi đỏ từ quá trình thi công dự án xây dựng quy mô lớn gần đó. Bụi đỏ bám chặt vào lá, khiến cây sầu riêng không quang hợp, dẫn đến thiếu dinh dưỡng và rụng trái dần. Tình trạng này xảy ra từ giữa tháng 2 đến nay.
Bụi đỏ cũng phủ lên nhiều vườn cây chôm chôm đang thời vụ ra bông, người dân phải xịt nước rửa hàng ngày để cứu cây. Ước tính hàng trăm hecta hoa màu tại huyện Long Thành bị ảnh hưởng.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, ô nhiễm bụi tại đây đã vượt quy chuẩn gần 20 lần. Đơn vị thi công hiện đang phải huy động rất nhiều xe bồn tưới nước để giảm thiểu bụi phát tán ra môi trường, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân xung quanh sân bay.
CÁ CHẾT NỔI DÀY ĐẶC MẶT KÊNH NHIÊU LỘC - THỊ NGHÈ
(Lê Bình)
Mấy ngày nay, mặt kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè xuất hiện tình trạng cá chết nổi đầy mặt nước xen lẫn rác. Các loại cá bị chết nhiều gồm: diêu hồng, cá chép, cá rô phi... với nhiều kích cỡ khác nhau. Có con to bằng bàn tay người lớn. Nhiều đoạn kênh xảy ra tình trạng hôi thối do mật độ cá chết quá dày, bị dồn vào thành từng mảng trên mặt nước.
Cùng với hiện tượng cá chết, nhiều đoạn mặt nước sủi bọt đục ngầu, nhiều con cá ngoi lên mặt nước để đớp oxy.
Theo người dân hai bên bờ kênh, tình trạng này hầu như năm nào kênh cũng xảy ra vào đầu mùa mưa. Trước hiện tượng trên, nhân viên Công ty thoát nước đô thị đã đi khảo sát và cho người thu gom rác trên mặt kênh để giảm tình trạng ô nhiễm, giúp cá có thể sống được.
3 DỰ ÁN FDI TẠO XUNG LỰC PHÁT TRIỂN NÔNG, LÂM NGHIỆP TỈNH BẮC KẠN
Ngọc Tú
Tỉnh Bắc Kạn hiện có 3 dự án FDI hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản với tổng vốn đầu tư hơn 154 tỷ đồng. Gồm dự án sản xuất giấy đế, vàng mã xuất khẩu của Công ty TNHH Giấy và Gỗ Bình Trung, vốn đăng ký là 6,4 tỷ đồng; Dự án nhà máy chế biến nông sản của Công ty TNHH Việt Nam Misaki, vốn đăng ký 48 tỷ đồng, sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Dự án chế biến gỗ của Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam, vốn đăng ký là 100 tỷ đồng, sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Mặc dù số lượng dự án FDI trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn không nhiều nhưng đều hoạt động hiệu quả tạo việc làm ổn định và đóng góp đáng kể đối với ngân sách địa phương.
SÓC TRĂNG: LO NGẠI PHÁT SINH DỊCH BỆNH TRÊN TÔM NUÔI
Văn Vũ
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng, hiện biên độ nhiệt giữa ngày và đêm chênh lệch lớn, thỉnh thoảng xuất hiện sương mù, khiến nông dân lo ngại phát sinh dịch bệnh trên tôm nuôi khi xuống giống.
Từ đầu năm 2023 Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức thực hiện các chương trình giám sát dịch bệnh trên tôm nước lợ. Điển hình như thu mẫu quan trắc tại 20 điểm ở các kênh, với tần suất 2 lần/tháng để kịp thời phát hiện dịch bệnh ngoài môi trường. Từ đó khuyến cáo cho chủ đầm tại các vùng nuôi. Song song đó, ngành chuyên môn cũng thực hiện công tác giám sát dịch bệnh tại vùng nuôi và trên tôm thương phẩm tại các doanh nghiệp phục vụ xuất khẩu.
Tính đến ngày 9/3/2023, diện tích thả nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đạt trên 1.570 ha. Trong đó, diện tích bị thiệt hại chiếm 0,63% diện tích thả. Nguyên nhân thiệt hại chủ yếu là do bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, tập trung chủ yếu tại huyện Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu.