Hà Giang lấy hình ảnh cao nguyên đá để xây dựng thương hiệu nông sản. Sơn La phấn đấu xuất khẩu 18.700 tấn trái cây năm 2023. Liên kết trồng nấm, nông dân lãi nửa tỷ đồng mỗi héc ta. Bình Phước chủ động phòng chống thiệt hại trong mùa mưa lũ.
Hà Giang lấy hình ảnh cao nguyên đá để xây dựng thương hiệu nông sản
Đào Thanh
Tiếp tục chương trình làm việc tại Hà Giang, ngày 17/4 Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn dự hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Giang năm 2023. Định hướng đến năm 2030, ngành nông nghiệp tỉnh Hà Giang sẽ phát triển nông nghiệp đặc trưng, theo chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, ứng dụng công nghệ cao phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa có quy mô theo tín hiệu thị trường, sức canh tranh cao. Đồng thời thực hiện tốt chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; quan tâm phát triển nông nghiệp quy mô nhỏ gắn với giảm nghèo và đảm bảo dinh dưỡng tại chỗ ở vùng sâu, vùng xa.Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, để tạo động lực gỡ khó cho ngành nông nghiệp tỉnh Hà Giang phát triển; chúng ta cần cùng nhau tạo dựng hệ sinh thái ngành hàng nhằm phát huy các giá trị vùng cao nguyên đá để sản phẩm nông nghiệp của Hà Giang có thương hiệu, có giá trị gia tăng cao và phát huy được giá trị văn hóa bản địa…thương hiệu nông sản, thương hiệu nông sản.
SƠN LA PHẤN ĐẤU XUẤT KHẨU 18.700 TẤN TRÁI CÂY NĂM 2023
Năm 2023, tỉnh Sơn La đặt mục tiêu xuất khẩu 18.700 tấn trái cây, trị giá 25,26 triệu USD, tăng 26,15% so với năm ngoái.
Một số sản phẩm trái cây tham gia xuất khẩu chủ yếu là xoài, 8.000 tấn, nhãn 4.500 tấn, chuối gần 4.500 tấn, chanh leo 1.000 tấn...
Nhằm giúp sản phẩm trái cây Sơn La tiếp tục chinh phục được các thị trường khó tính như: EU, Bắc Mỹ, Hoa Kỳ, Nga, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, một số nước Trung Đông, Hội Nông dân tỉnh Sơn La và huyện Mường La phấn đấu bao tiêu được 15 triệu trái cây trong năm 2023.
Bên cạnh đó, Tỉnh cũng đã triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm của tỉnh xuất khẩu và giới thiệu các sản phẩm nông sản sang 21 nước và vùng lãnh thổ.
Liên kết trồng nấm, nông dân lãi nửa tỷ đồng mỗi héc ta
Văn Vũ
Huyện Phụng Hiệp là địa phương có diện trích trồng nấm lớn nhất tỉnh Hậu Giang với khoảng 50ha, tập trung ở các xã như: Thạnh Hoà, Tân Long, Phương Phú, Hoà An và Thị trấn Kinh Cùng.
Trong đó, 60% diện tích, nông dân đã liên kết với thương lái để cung ứng vật tư đầu vào cũng như bao tiêu sản phẩm.
Hiện nay, nấm rơm đang được thương lái thu mua với giá 50.000 đồng/kg, trừ hết chi phí các hộ dân thu nhập khoảng 500 triệu/1ha.
Theo các hộ dân trồng nấm, trong 2 năm vừa qua, khi liên kết với thương lái, ngoài việc được vay vốn để đầu tư mua rơm, meo nấm, còn được thu mua hết sản lượng nấm làm ra với giá cả được thống nhất từ trước trong hợp đồng, nên nhà vườn biết trước được lợi nhuận và an tâm sản xuất.
CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG THIỆT HẠI TRONG MÙA MƯA LŨ
Trần Trung
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước, dự báo năm nay, mưa bão trên địa bàn tỉnh Bình Phước có khả năng đến sớm hơn các năm trước.
Để chủ động phòng chống thiệt hại trong mùa mưa lũ, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị quản lý công trình thủy lợi thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn công trình thủy lợi.
UBND tỉnh giao các cơ quan: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị quản lý hồ chứa phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hoàn thành tốt công tác quản lý công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ 2023.
Trong năm 2022, tại tỉnh Bình Phước, các loại hình thiên tai như lốc xoáy, mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở, lũ đã xảy ra làm 4 người chết; sập, tốc mái 111 căn nhà; gần 135 ha cây trồng bị gãy đổ; gần 1.200 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi. Ước tính thiệt hại khoảng 16,7 tỷ đồng; kinh phí khắc phục hậu quả là 6,45 tỷ đồng.