Xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu cho các vùng nuôi nhuyễn thể. Lần đầu tiên Việt Nam có bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống thiên tai. Xuất khẩu điều giảm cả sản lượng và trị giá. Giá khoai tại Gia Lai còn 4.000 – 5.000 đồng/kg.
XÂY DỰNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ VÀ THƯƠNG HIỆU CHO CÁC VÙNG NUÔI NHUYỄN THỂ
Phát biểu tại Diễn đàn Phát triển ngành hàng Nhuyễn thể bền vũng ngày 6/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để đẩy mạnh xuất khẩu ngành nhuyễn thể, các bộ ngành và địa phương cần xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu cho các vùng nuôi nhuyễn thể tập trung thông qua chuyển giao sâu, rộng công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm một số đối tượng nhuyễn thể có giá trị kinh tế đến các doanh nghiệp, hộ cá thể nhằm hình thành được chuỗi giá trị.Xây dựng và áp dụng hệ thống chỉ dẫn địa lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm nghêu/ngao trên cơ sở phù hợp với tình hình sản xuất và tiêu thụ, đồng thời hoàn thiện hệ thống kiểm tra, chứng nhận sản phẩm nghêu sau thu hoạch, trước khi ra khỏi nhà máy chế biến.Việt Nam hiện có 13 vùng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu thu hoạch nhuyễn thể được phép xuất khẩu; sản phẩm nhuyễn thể đã có mặt ở 57 thị trường trên thế giới, trong đó có một số thị trường chính như: EU, Mỹ, Nhật Bản…đóng góp quan trọng trong cơ cấu ngành hàng thủy sản.
LẦN ĐẦU TIÊN VIỆT NAM CÓ BỘ CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
Chiều 6/4, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định kết quả đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh theo bộ chỉ số năm 2021.Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Thẩm định kết quả đánh giá công tác PCTT theo bộ chỉ số là một hoạt động mới. Lần đầu tiên Việt Nam có bộ chỉ số để đánh giá công tác PCTT ở các địa phương. Chính vì thế, sau đợt thẩm định, đánh giá lần đầu tiên, một số vấn đề sẽ bộc lộ ở ngay trong bộ chỉ số và cần phải chỉnh sửa, sửa chữa và bổ sung để những bộ chỉ số từ các năm sau có thể kế thừa, phát huy chức năng, hiệu quả một cách sát thực tiễn hơn.Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh gồm 4 nhóm tiêu chí với tổng điểm 100. Cụ thể, nhóm 1: Tổ chức, nhiệm vụ Ban Chỉ huy và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy (15 điểm). Nhóm 2: Phòng ngừa thiên tai (45 điểm). Nhóm 3: Ứng phó thiên tai (20 điểm). Nhóm 4: Khắc phục hậu quả thiên tai (20 điểm).Theo Xếp hạng đánh giá, các địa phương có kết quả đánh giá trên 80% được đánh giá là hoàn thành tốt. Từ 50 - 80% được đánh giá là đạt nhưng cần hoàn thiện để sẵn sàng trong các tình huống thiên tai. Dưới 50% được đánh giá là không đạt và cần bổ sung, hoàn thiện các nội dung.
XUẤT KHẨU ĐIỀU GIẢM CẢ VỀ GIÁ TRỊ VÀ SẢN LƯỢNG
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 3/2022 đạt 40 nghìn tấn, trị giá 241 triệu USD, tăng 58% về lượng và tăng gần 60% về trị giá so với tháng 2/2022, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái lại giảm 11,8% về lượng và giảm 9% về trị giá.Tính chung 3 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam ước đạt 105 nghìn tấn, trị giá 630 triệu USD, giảm 6,7% về lượng và giảm 5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.Nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu giảm trong quý 1/2022 do hạt điều W320 xuất sang nhiều thị trường chủ lực như: Hà Lan, Canada, Trung Quốc, Australia, Nga đều giảm.
GIÁ KHOAI TẠI GIA LAI CÒN 4.000 – 5.000 ĐỒNG/KG
Giá khoai lang tại Gia Lai hiện đang được thương lái thu mua tại các nhà vườn ở mức 4.000 – 5.000 đồng/kg. Theo các nhà vườn, mức giá này đã giảm gần một nửa so với thời điểm đầu vụ, khiến bà con rất lo lắng về lợi nhuận và đang gấp rút thu hoạch.Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, năm 2021 - 2022 toàn tỉnh có hơn 2.000 ha khoai lang. Trong đó chủ yếu là giống khoai lang Nhật được người tiêu dùng ưa chuộng.Chính quyền địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người dân cần lựa chọn cây giống có nguồn gốc rõ ràng, nắm vững kĩ thuật để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, chủ động canh tác theo hướng bền vững và liên kết với các doanh nghiệp, không phát triển ồ ạt khi giá tăng.