| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn mới ở Nghệ An: Có công vun trồng, hoa thơm sẽ nở

Thứ Năm 04/08/2022 , 11:27 (GMT+7)

Giữa muôn vàn gian khó, Nghệ An vẫn biết cách tạo ra điểm nhấn, gặt hái hoa thơm trái ngọt từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Diện mạo nông thôn mới của Nghệ An đã được nâng tầm thấy rõ. Ảnh: BNA.

Diện mạo nông thôn mới của Nghệ An đã được nâng tầm thấy rõ. Ảnh: BNA.

Chủ động vượt khó

Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) của Nghệ An trong 6 tháng đầu năm 2022 vẫn tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, tiếp đà thay đổi diện mạo khu vực nông thôn.

Tính chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, động lực “vươn lên thoát nghèo và làm giàu” ở một số địa phương tiếp tục được thể hiện. Trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản có nhiều bước tiến mới thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Nhờ cách làm này nhiều mô hình mới đã, đang được hình thành và nhân rộng, giúp nhà nông nâng cao giá trị thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Nhiều địa phương thực sự quyết tâm, nỗ lực cao trong nhiệm vụ phấn đấu đạt chuẩn thôn/bản NTM, xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và huyện NTM. Người người, nhà nhà ý thức được vai trò chủ thể, từ đó ra sức cống hiến trên nhiều phương diện, tất cả được hun đúc từ năm này sang năm khác đã tạo nên động lực đủ lớn để đưa Chương trình MTQG xây dựng NTM của tỉnh lên một tầm cao mới.

Trong bức tranh tổng thể, bật lên vai trò rõ nét của các tổ chức Đảng, chính quyền các cấp. Thực tế chỉ rõ, những nơi xây dựng NTM gặt hái được thành công vang dội đều thể hiện niềm tin tuyệt đối của người dân vào các chủ trương, chính sách, đường lối, vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Nhiều mô hình mới phát huy hiệu quả, giúp nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích.

Nhiều mô hình mới phát huy hiệu quả, giúp nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích.

Tín hiệu tích cực xuất hiện trong bối cảnh đối diện giữa vô vàn khốn khó càng ngọt ngào hơn gấp bội phần, cho thấy chủ trương lớn thực sự lan tỏa mạnh mẽ trong công động, trong toàn dân. Dù vậy mọi thứ không hề giản đơn, để vượt qua nghịch cảnh đòi hỏi phải có sự chủ động cần thiết trong mọi tình huống, thông qua những kế hoạch, nội dung bám sát với tình hình thực tiễn.

Trong năm 2022, Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành các Nghị quyết Số 06/2022/NQ-HĐND quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1563/QĐ-UBND quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025; số 1541/QĐ-UBND về Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn NTM, Vườn chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025…

Trên tinh thần đó, tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao bổ sung các văn bản phù hợp với quy định của Trung ương hướng dẫn, đồng thời đánh giá mức độ hoàn thành các tiêu chí và thành phần hồ sơ phục vụ công tác thẩm tra, thẩm định xã đạt chuẩn Nông thôn mới trong năm. Bám vào đây, các huyện, thành, thị đã có nghị quyết chuyên đề, kế hoạch để triển khai sâu rộng, có hiệu quả.

Chung sức xây dựng nông thôn mới, khắp nơi phơi phới niềm vui

6 tháng đầu năm đối diện với nhiều biến động, tuy nhiên phong trào thi đua “Nghệ An chung sức xây dựng Nông thôn mới” vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả thiết thực. Hệ thống chính trị các cấp, các ngành, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là cộng đồng nhân dân đã tích cực tham gia, hưởng ứng.

Trong phong trào thi đua “Nghệ An chung sức xây dựng Nông thôn mới” đã xuất hiện nhiều đơn vị điển hình, hoàn thành xuất sắc toàn diện kế hoạch phát triển KT-XH theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, Nghị quyết HĐND cùng cấp đã đề ra. Riêng 6 tháng đầu năm 2022 có 120 tập thể, cá nhân vinh dự được được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Bấy nhiêu thôi đủ thấy phong trào đã lớn mạnh nhường nào.

Trên dưới chung sức đồng lòng, thành quả ngọt ngào đến như một lẽ tất yếu. Ghi nhận đến 30/6/2022, toàn tỉnh có 299 xã/411 xã đạt chuẩn NTM; 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 184 thôn, xóm, bản đạt chuẩn NTM (không thuộc xã đạt chuẩn NTM).

Ngoài ra phải kể đến 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, bao gồm TP. Vinh, Thị xã Thái Hoà, huyện Nam Đàn, huyện Yên Thành, huyện Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu…

Về xây dựng NTM nâng cao, đây là nội dung được các địa phương quan tâm tổ chức thực hiện, đặc biệt là đối với 299 xã đã được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Bằng chứng, sau Đại hội Đảng bộ và Bầu cử HĐND các cấp, các địa phương đã bám sát quy hoạch, đồng thời dựa vào tiềm năng, lợi thế sẵn có, trên hết là sự ủng hộ của  nhân dân để tổ chức thực hiện các tiêu chí.

Đến nay, dù mới là năm thứ 2 thực hiện công tác thẩm định, đánh xã giá đạt chuẩn NTM nâng cao nhưng nhìn chung các nội dung, tiêu chí vạch ra đều đạt và thể hiện tính bền vững, điển hình như nhóm tiêu chí về hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức sản xuất, môi trường…

Huyện Nam Đàn đang có được bước tiến dài trong quá trình thực hiện NTM kiểu mẫu. Ảnh: Sách Nguyễn.

Huyện Nam Đàn đang có được bước tiến dài trong quá trình thực hiện NTM kiểu mẫu. Ảnh: Sách Nguyễn.

Kết quả thực hiện Đề án xây dựng huyện Nam Đàn thành huyện NTM kiễu mẫu cũng cho thấy nhiều nét tích cực. Với quyết tâm chính trị cao từ tỉnh đến huyện, xã, sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, sự hưởng ứng và chung sức của các tổ chức, đơn vị, các tầng lớp nhân dân huyện Nam Đàn đã mang lại quả ngọt: Các tiêu chí NTM cấp xã và cấp huyện được củng cố, nâng cao; 18/18 xã giữ vững xã NTM, 1 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (Kim Liên), 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; các xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí NTM nâng cao trở lên.

Không chỉ có thế, Nam Đàn đã hoàn thành 6/12 chương trình, dự án trọng điểm theo Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 04/01/2019 của Thủ tướng Chỉnh phủ; hoàn thành 32/42 nội dung trong bộ tiêu chí huyện NTM kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch.

Trong 3 năm, toàn huyện đã huy động trên 2.059 tỷ đồng, trong đó ngân sách các cấp đạt 759,3 tỷ đồng, chiếm 36,86% (ngân sách Trung ương: 136,5 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 207,7 tỷ đồng; ngân sách huyện xã là 415,1 tỷ đồng); vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án là 585 tỷ đồng, chiếm 28,4%; vốn xã hội hoá (doanh nghiệp, các tập đoàn) 150 tỷ đồng, chiếm  7,28%; Vốn tín dụng 124,5 tỷ đồng, chiếm 6,04%; Vốn huy động từ cộng đồng dân cư là 440,8 tỷ đồng, chiếm 21,4% (chưa kể hiến đất, vật kiến trúc và ngày công lao động)… những con số có thể khô khan nhưng đã lột tả chân thực được diện mạo, sức sống nông thôn mới trên quê hương Bác Hồ.

Ở khía cạnh khác, thực hiện quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (OCOP). Ngày 12/3/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 729/QĐ-UBND phê duyệt Đề án mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2030.

Đi sâu bám sát, chỉ sau 3 năm hiện Nghệ An đã trình làng 249 sản phẩm OCOP được đánh giá công nhận 3 sao trở lên (40 sản phẩm đạt 4 sao, 208 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm có tiềm năng 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá phân hạng cấp Quốc gia là “Đèn lồng treo Mây tre đan”, vượt xa mục tiêu đề ra đến năm 2030 (200 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên).

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tiềm năng sản phẩm OCOP

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát huy tiềm năng của các sản phẩm OCOP.