Xây dựng giá trị văn hoá cà phê Việt Nam. 7.000ha bưởi Hà Nội vào kỳ thu hoạch. Ninh Thuận đặt mục tiêu phát triển đàn cừu 150.000 con năm 2025. Giá mít ruột đỏ lên đến 100.000 đồng/kg.
Xây dựng giá trị văn hoá cà phê Việt Nam
Sáng 12/3, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk và Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam tổ chức Hội thảo “Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023. Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, để cà phê Việt Nam tăng giá trị không chỉ ở chế văn hóa cà phê biến tinh mà đó là ở giá trị văn hóa tiêu dùng để đi vào đúng cảm xúc. Do đó, cần xây dựng văn hóa cà phê Việt Nam để dẫn dắt ngành hàng cà phê trở thành một hướng đi tích hợp đa giá trị, mang tính nhân văn và để người trồng cà phê được chia sẻ giá trị nhiều nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng này. Hiện, cà phê là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, với tổng diện tích hơn 710.000 ha, sản lượng hơn 1,8 triệu tấn. Những năm qua, cà phê Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 85 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, năm 2022 xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD chiếm hơn 15% thị phần xuất khẩu cà phê thế giới. văn hóa cà phê
HƠN 7.000 HA BƯỞI CỦA HÀ NỘI ĐANG VÀO KỲ THU HOẠCH
Hà Nội có gần 10.000ha bưởi trong đó có hơn 7.000ha đang vào kỳ thu hoạch chính, tập trung ở các huyện như Phúc Thọ, Chương Mỹ, Đan Phượng, Phú Xuyên... với nhiều giống bưởi khác nhau như: Bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Tam Vân, bưởi Cát Quế… Đến nay, Hà Nội đã có 2 vùng trồng bưởi đạt tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ, có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của những thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Hoa Kỳ, EU…Ngành nông nghiệp TP. Hà Nội xác định sẽ tập trung rà soát, đánh giá lại các vùng sản xuất bưởi tập trung có đủ điều kiện xuất khẩu để mở rộng thiết lập hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng. Bên cạnh đó, thúc đẩy thiết lập và quản lý mã số vùng trồng xuất khẩu cho sản phẩm bưởi da xanh trên địa bàn toàn thành phố nhằm phát triển mở rộng vùng nguyên liệu an toàn, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
NINH THUẬN ĐẶT MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN ĐÀN CỪU LÊN 150.000 VÀO NĂM 2025
Ninh Thuận là địa phương có tổng đàn cừu lớn nhất nước với gần 107.000 con và đây cũng là loại vật nuôi được xác định có nhiều triển vọng để phát triển kinh tế tại tỉnh này. Tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu phát triển đàn cừu đến năm 2025 đạt 150.000 con và định hướng đến năm 2030 đạt 220.000 con. Vùng nuôi cừu sẽ tập trung ở các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải, Ninh Sơn và Bác Ái. Đưa số lượng cừu lai của tỉnh lên 85% vào năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đạt trên 90%; tăng sản lượng thịt cừu bình quân 4-5%/năm. Để đạt các mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận đang phối hợp với các địa phương chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, hướng dẫn các hộ chăn nuôi cải tạo đàn bằng phương pháp hoán đổi cừu đực giống giữa các hộ chăn nuôi, giữa các địa phương với nhau nhằm tránh nguy cơ đồng huyết. Đồng thời, cho lai tạo giống cừu ngoại như cừu Dorper, cừu White Suffolk để đa dạng hóa nguồn gen, góp phần nâng cao chất lượng đàn cừu của địa phương.
GIÁ MÍT RUỘT ĐỎ LÊN ĐẾN 100.000 ĐỒNG/KG
Thời gian gần đây, mít ruột đỏ Indo tại một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng giá, thương lái phải đi thu mua từng quả. Nếu như trước đây, loại mít này thu quả chỉ bán được giá 30.000 -35.000 đồng/kg thì nay người dân bán tại vườn cũng được giá 110.000 đồng/kg với loại 1, còn mít loại 2 cũng bán được 100.000 đồng/kg. Theo một số nhà vườn, giá mít ruột đỏ Indo cao do mùi vị ngon hơn các loại mít khác và đang được thị trường nước ngoài chấp nhận. Được biết, mít ruột đỏ được trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long không nhiều và không trồng tập trung như cây mít Thái. Diện tích loại mít ruột đỏ đang tăng dần trong những năm gần đây do đây là loại cây mới. Hiện nay, mít ruột đỏ đã được một số vựa lớn thu mua xuất khẩu. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn khuyến cáo người dân không nên trồng đại trà, mở rộng diện tích quá nhanh vì sợ “cung vượt quá cầu” thì thời gian tới khó mà tìm được đầu ra cho nông sản.