Xuất hiện nhiều ổ dịch cúm gia cầm H5N1. Thủy sản chịu áp lực lớn từ ô nhiễm môi trường. Kim ngạch thương mại Việt Mam - Mỹ Latinh đạt 18,7 tỷ USD. Đào tạo nghề 12.000 lao động nông thôn.
XUẤT HIỆN NHIỀU Ổ DỊCH CÚM GIA CẦM H5N1
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu tháng 11 đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 3 ổ dịch cúm gia cầm trên đàn vịt của các hộ chăn nuôi ở huyện Mộ Đức, thành phố Quảng Ngãi và thị xã Đức Phổ.Ngay sau khi cả 3 đàn vịt đều có kết quả mẫu xét nghiệm dương tính với virus cúm A/H5N1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp chính quyền địa phương tiến hành triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch như khoanh vùng ổ dịch, tiêu hủy toàn bộ 1.340 con vịt còn lại trong đàn; khử trùng tiêu độc; điều tra dịch tễ và hướng dẫn người dân thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo, thời gian tới, nguy cơ bệnh cúm gia cầm xảy ra rất cao vì thời điểm này thời tiết diễn biến phức tạp.
THỦY SẢN CHỊU ÁP LỰC LỚN TỪ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
Bên cạnh sự tăng trưởng vượt bậc khi đang tiến đến mốc xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay, thủy sản cũng là ngành phải chịu tác động mạnh mẽ của ô nhiễm môi trường cũng như gây ra sự ô nhiễm môi trường. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng rác, chất thải thải từ hoạt động sản xuất, đánh bắt thủy sản là rất lớn. Trong đó, chỉ riêng các tàu khai thác thủy sản, loại có chiều dài từ 6m trở lên đã phát sinh hơn 64.100 tấn rác thải nhựa mỗi năm.Theo thống kê, ước tính lượng chất thải rắn từ việc nuôi tôm ra môi trường là 123 tấn/vụ/héc-ta, nước thải hơn 5.000m3, bùn thải từ hoạt động nuôi cá tra là gần 33,3 tấn (gồm cả bùn và nước).Thêm vào đó, tàu khai thác thủy sản của cả nước có chiều dài từ 6m trở lên đã phát sinh hơn 64.100 tấn rác thải nhựa mỗi năm. Lượng rác thải thất thoát ra biển chủ yếu từ nguồn sinh hoạt là 2.288 tấn/năm và một phần từ ngư lưới cụ bị mất thụ động…
KIM NGẠCH THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - MỸ LATINH ĐẠT 18,7 TỶ USD
Sáng 25/11, tại TP.HCM, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức “Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Mỹ Latinh năm 2022”.Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Năm 2022, dù bị tác động bởi đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhưng thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ Latinh vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. 10 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch hai chiều đạt 18,7 tỷ USD, tăng 10,5%. Không chỉ là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, Mỹ Latinh còn là khu vực cung ứng nguyên phụ liệu quan trọng cho ngành sản xuất của nước ta.Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác khu vực Mỹ Latinh cũng đối mặt với nhiều thách thức trong hợp tác kinh doanh. Do đó, đòi hỏi quyết tâm và nỗ lực cao của Chính phủ Việt Nam và các nước, các hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại - đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Mỹ Latinh, để tìm ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động hợp tác thương mại – đầu tư.
ĐÀO TẠO NGHỀ 12.000 LAO ĐỘNG NÔNG THÔN
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, từ nay đến 2025, tỉnh sẽ dành hơn 22,8 tỉ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 để đào tạo nghề cho 12.000 lao động nông thôn.Đối tượng được đào tạo nghề là các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp nhằm giảm nghèo bền vững. Người lao động sẽ được đào tạo một số ngành nghề liên quan đến các chương trình, đề án mà ngành Nông nghiệp đang chủ trì... Đến 2025, tỉnh Kiên Giang phấn đấu nâng tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 55%, thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.