2/3 nhà máy đường tại Hậu Giang đóng cửa vì thiếu nguyên liệu. Giá quýt Mường Khương từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Đắk Nông chọn chanh dây, bơ và mắc ca là 3 nông sản chủ lực. Xuất khẩu ngũ cốc Ukraine giảm 32%.
2/3 nhà máy đường tại Hậu Giang đóng cửa vì thiếu nguyên liệu
Do không có đủ nguyên liệu để vận hành, 2/3 nhà máy đường tại tỉnh Hậu Giang đã phải đóng cửa, hiện duy nhất nhà máy đường tại huyện Phụng Hiệp còn đang hoạt động,Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông tỉnh Hậu Giang cho biết, mặc dù đang thời điểm vào vụ sản xuất đường, nhưng các nhà máy đường tại Hậu Giang chưa tiếp nhận đủ số lượng mía để vận hành sản xuất. Nguyên nhân chủ yếu là do giá mía chục – loại mía chuyên cung cấp cho các tiệm nước giải khát năm nay tăng cao kỷ lục, lên tới 2.500- 3.000 đồng/kg, có thời điểm đạt 3.200 đồng/kg, gấp 3 lần mức giá các doanh nghiệp thu mua.Người dân vì thấy có lãi nên chủ yếu bán mía chục, dẫn đến tình trạng các công ty mía đường thiếu hụt nguyên liệu để vận hành nhà máy.
GIÁ QUÝT MƯỜNG KHƯƠNG TỪ 25.000 - 30.000 ĐỒNG/KG
Những ngày này, các vùng trồng quýt ở Mường Khương, tỉnh Lào Cai đang bước vào vụ thu hoạch. Với địa hình nằm ở độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, có tiểu vùng khí hậu ôn đới thuận lợi cho nhiều loại cây ăn quả phát triển. Trong số các trái cây đặc hữu của địa phương, quýt Mường Khương được ưa chuộng với đặc trưng trái to vỏ mỏng, quả đều nhau, dậy mùi thơm, vị ngọt thanh, đặc biệt là rất mọng nước.Hiện nay, giá quýt Mường Khương đang dao động từ 25.000 - 30.000/kg và được tiêu thụ khá tốt. Cùng với cây quýt chín sớm và chính vụ, hiện nay Mường Khương cũng đang phát triển thêm cây quýt chín muộn, thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau đem lại hiệu quả kinh tế cao.
ĐẮK NÔNG CHỌN CHANH DÂY, BƠ VÀ MẮC CA LÀ 3 NÔNG SẢN CHỦ LỰC
UBND tỉnh Đắk Nông vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Một trong những nội dung của Kế hoạch là xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp khoa học và công nghệ trong toàn bộ các khâu theo chuỗi giá trị nhằm tạo ra sự bứt phá đối với 03 sản phẩm có lợi thế của tỉnh là chanh dây, bơ và mắc ca.Mục tiêu của kế hoạch nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.Cùng với đó, đảm bảo các sản phẩm nông nghiệp chủ lực được triển khai đều có sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ hợp tác.
XUẤT KHẨU NGŨ CỐC UKRAINE GIẢM 32%
Theo số liệu mới được Bộ Nông nghiệp Ukraine công bố, tính đến nay, Ukraine đã xuất khẩu gần 16,2 triệu tấn ngũ cốc trong mùa vụ 2022 – 2023, giảm 31,7% so với 23,8 triệu tấn xuất khẩu cùng kỳ vụ mùa trước.Xuất khẩu ngũ cốc của quốc gia Đông Âu này đã sụt giảm kể từ tháng 2 năm nay trong bối cảnh xung đột khiến mùa màng tổn thất, các cảng biển bị phong tỏa, đẩy giá ngũ cốc toàn cầu tăng cao và làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực ở châu Phi và Trung Đông.Hiện Nga và Ukraine là hai trong số các nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. Trước khi xảy ra xung đột, Ukraine xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng.