Xuất khẩu 18 tấn xoài keo sang Hàn Quốc. Công nghệ kiểm soát dịch bệnh trong nuôi tôm. Chế biến sâu nhung hươu, tăng 30% giá trị kinh tế. Chậm hỗ trợ người dân có đất bị ngập do thủy điện tích nước.
(Tin 3) XUẤT KHẨU 18 TẤN XOÀI KEO SANG HÀN QUỐC
Lê Hoàng Vũ - SX
Sáng nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang phối hợp với UBND huyện An Phú, tỉnh An Giang long tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô xoài keo đầu tiên sang thị trường Hàn Quốc. Đây cũng là lô hàng xuất khẩu xoài thứ hai của An Giang sang thị trường nhiều triển vọng và có lợi thế cạnh tranh cao.
18 tấn xoài keo của huyện An Phú xuất sang thị trường Hàn Quốc lần này được Hợp tác xã nông nghiệp Long Bình ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ với Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit. Đây là giống xoài đặc sản chất lượng được trồng nhiều tại địa phương.
Xoài Keo đã có từ lâu trên địa bàn huyện An Phú, tập trung chủ yếu ở các xã: Khánh Bình, Khánh An, Phú Hữu và thị trấn Long Bình. Năm 2016 diện tích trồng xoài Keo khoảng trên 300 ha, hiện đã phát triển gần 2 ngàn ha, cho sản lượng khoảng 55 ngàn tấn mỗi năm. Không những ngọt thanh, thịt ngon, xoài keo còn ít chua kể cả khi trái non.
Hiện trên địa bàn huyện có 2 vùng sản xuất xoài Keo theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 354 ha. Xoài Keo đã được cấp 61 mã số vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường New Zealand, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc.
(Tin 2) Công nghệ kiểm soát dịch bệnh trong nuôi tôm
Phương Chi – Kim Sơ SX
Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Ninh Phú hiện đang nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ Semi-Biofloc kết hợp 3 giai đoạn. Công nghệ Semi-Biofloc giúp làm sạch, ổn định môi trường nước bằng vi tảo. Khối Biofloc là vi khuẩn dị dưỡng, tảo, mùn giúp làm sạch nước, cung cấp nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho tôm nuôi, đồng thời ức chế sự phát triển của các vi sinh vật có hại, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh do ô nhiễm môi trường nước.
Đặc biệt công nghệ này được kết hợp vào nuôi 2 đến 3 giai đoạn đã giúp kiểm soát tốt nhiều loại mầm bệnh từ khi thả con giống cho đến thu hoạch, tỷ lệ thành công đạt từ 70 đến 80%.
(Tin 3) Chế biến sâu nhung hươu, tăng 30% giá trị kinh tế
Thanh Nga sx
Từ trước đến nay, nhung hươu Hương Sơn chủ yếu bán nguyên liệu thô để ngâm rượu, nấu cháo, ngâm mật ong. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số cơ sở trên địa bàn tỉnh đã đầu tư thiết bị máy móc chế biến sâu thành các sản phẩm như: Cao nhung hươu, bột nhung hươu, đế nhung hươu tán bột, nhung hươu tươi thái lát, trà nhung hươu… Hiện đã có khoảng 30 – 35% sản phẩm nhung tươi được chế biến sâu thành phẩm, góp phần tăng 30% giá trị kinh tế so với bánh nhung tươi. Điều quan trọng, khi chế biến thành các sản phẩm đơn lẻ, người tiêu dùng dễ tiếp cận hơn.
Sáng 27/3, tại TP Hà Tĩnh, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo khoa học Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ chế biến sâu nhung hươu Hương Sơn. Tham dự hội thảo có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực KHCN, dược phẩm. Họ đều quan tâm và mong muốn giúp đỡ người chăn nuôi hươu huyện Hương Sơn nâng cao được giá trị sản phẩm đặc sản nhung hươu.
(Tin 4) Chậm hỗ trợ người dân có đất bị ngập do thủy điện tích nước
Ngọc Tú sx
Dự án Thủy điện Pác Cáp được xây dựng tại xã Sơn Thành, vùng ngập nước dự án ảnh hưởng đến đất đai người dân 2 xã Sơn Thành và Văn Minh của huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Dự án do Công ty Cổ phần Thủy điện Sử Pán 1 thực hiện. Nhà máy đã đi vào hoạt động từ tháng 6/2021, nhưng đến tháng 8/2021, 46 hộ gia đình sống ở bên bờ lòng hồ thủy điện phát hiện ruộng, vườn, ao cá không thuộc diện thu hồi giải phóng mặt bằng cũng bị ngập sâu dưới nước. Đến năm 2024, sau khi thống kê lại còn 31 hộ có đất đai, ao cá bị ảnh hưởng, đã gần 3 năm trôi qua, các hộ dân vẫn chưa nhận được tiền bồi thường hỗ trợ từ phía chủ đầu tư nhà máy thủy điện Pác Cáp. Trả lời phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Lương Thanh Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Rì cho biết, địa phương và chủ đầu tư thủy điện vẫn đang xây dựng phương án bồi thường. Nguyên nhân chậm là do thời gian hoàn thiện thủ tục thu hồi đất bị ngập kéo dài. Dự kiến phương án bồi thường sẽ xong trong tháng 5/2024.