Nuôi biển - Vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau. Phát triển thủy sản hiện đại, giảm phát thải và đối phó nước biển dâng. Nhật Bản viện trợ gần 200.000 USD phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Đồng Tháp. Hải Phòng thí điểm các biện pháp diệt chuột vụ lúa xuân.
Từ ngày 31/3 - 1/4/2024, tại TP. Hạ Long, Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức 'Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh' với chủ đề “Nuôi biển, vì nguồn sống xanh thế hệ mai sau” là thông tin được công bố tại buổi họp báo diễn ra chiều nay 25/3.
Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, mục tiêu của địa phương là thu hút đầu tư và tạo ra sản phẩm mới cho du lịch biển, tận dụng tài nguyên phong phú mà địa phương sẵn có. Quảng Ninh cũng đã xác định lợi thế của tỉnh trong phát triển ngành nuôi biển, với chủ trương tránh mâu thuẫn với ngành du lịch mà thay vào đó là tạo ra giá trị gia tăng và phát triển nuôi biển bền vững.
Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng biên tập Báo NNVN cho biết, hội nghị được tổ chức với mong muốn trở thành cầu nối để các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cùng nhau đánh giá, nhìn nhận thực trạng tổng quan nuôi biển tại Việt Nam cũng như trên thế giới với mục tiêu cao nhất là góp phần phát triển ngành hàng nuôi biển bền vững.
Phát triển thủy sản hiện đại, giảm phát thải và đối phó nước biển dâng
Dự án Phát triển thủy sản bền vững do Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế triển khai nhằm đáp ứng nhiều mục tiêu quốc gia, xây dựng cơ sở hạ tầng an toàn cho ngành thủy sản và hỗ trợ giám sát, thu thập dữ liệu, giúp giảm thiểu tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Tại buổi họp tổng kết đoàn giám sát đánh giá Ngân hàng thế giới Dự án phát triển thủy sản bền vững, chiều 25/3, Bà Mona Sur, Giám đốc ngành Môi trường, Tài nguyên và Kinh tế biển Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh Ngân hàng thế giới mong muốn hỗ trợ hết mình cho dự án tuy nhiên phải đảm bảo tiến độ đồng đều giữa các tỉnh, đồng thời đảm bảo xã hội hoá trong quá trình phát triển để không ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định với quyết tâm của bộ và sự hỗ trợ của ngân hàng thế giới, ngành thủy sản đã có những chuyển biến tích cực . Dự án cần xem xét 3 yếu tố: hiện đại - giảm phát thải - đối phó nước biển dâng, thậm chí phải gắn với phát triển kinh tế khu vực, đảm bảo nâng cao được chuỗi giá trị.
Nhật Bản viện trợ gần 200.000 USD phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Đồng Tháp
Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM vừa trao khoản tiền viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản trị giá 195 nghìn 277 USD cho Tổ chức Seed to Table để triển khai dự án “Phát triển cộng đồng bền vững thông qua đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, chế biến thực phẩm và quản lý kinh doanh” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Thông qua khoản viện trợ, Tổ chức Seed to Table sẽ triển khai dự án nhằm tạo ra nhiều mô hình, tăng thêm thu nhập cho các hộ nông có quy mô sản xuất nhỏ lẻ; hỗ trợ giáo dục kiến thức về nông nghiệp hữu cơ, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái. Đặc biệt, những người tham gia dự án còn được đến Nhật Bản tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Hải Phòng thí điểm các biện pháp diệt chuột vụ lúa xuân
Trên những cánh đồng ở Hải Phòng, lúa đang sinh trưởng tốt và vào giai đoạn đẻ nhánh rộ. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng, trung bình mỗi năm, toàn thành phố có diện tích bị chuột phá hoại lên đến 700ha, có nhiều địa phương nhiễm nặng và thậm chí mất trắng do chuột.
Để kiểm soát, quản lý chuột hại hiệu quả, vụ Xuân năm 2024, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai thực hiện thí điểm các biện pháp quản lý tổng hợp chuột hại trên cây lúa tại 2 địa điểm: cánh đồng thôn Vân Đoài, xã Nam Hưng, huyện Tiên Lãng (với diện tích 20 ha) và cánh đồng thôn Kim Lĩnh, xã Chiến Thắng, huyện An Lão (với diện tích 15 ha).
Cơ quan chức năng xác định 5 dấu hiệu nhận biết nơi có chuột để rải mồi là hang chuột, đường đi của chuột, phân chuột, vết cắn phá, vết chân chuột. Từ đây sẽ sử dụng bả diệt chuột trộn sẵn rải trên đồng ruộng vào giai đoạn đầu vụ, khi lấy nước đổ ải.