Đề xuất thành lập tủ sách khuyến nông dành cho thanh niên. Đề nghị công nhận làng cổ Phước Tích là di tích quốc gia đặc biệt. Sóc Trăng: 1.400ha lúa đông xuân muộn bị khô hạn, thiếu nước. Huyện Bố Trạch tiêm vacxin đàn gia súc đạt trên 75%.
Đề xuất thành lập Tủ sách khuyến nông dành cho thanh niên
Thảo Phương sx
Tại chương trình “Gặp gỡ tháng thanh niên năm 2024” giữa Bộ trưởng Lê Minh Hoan với đoàn viên, thanh niên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhiều thanh niên là đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã kể về câu chuyện của bản thân và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp tới các bạn trẻ.
Tại sự kiện, ông Cao Văn Hà, Chủ tịch danh dự Quỹ Khuyến học Ước mơ lớn xã Đồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên chia sẻ, ở quê nhà của ông, người nông dân đã hình thành thói quen đọc sách, mỗi gia đình đều có tủ sách. Do đó, mong rằng trong tương lai sẽ có tủ sách khuyến nông dành cho thanh niên, để những đoàn viên ở nông thôn sẽ luôn phấn đấu, là đại diện tri thức hóa nông dân, từ đó đưa nền nông nghiệp nước nhà ngày càng hội nhập.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, những trang sách sẽ giúp chúng ta thay đổi từng ngày và cuộc sống, công việc sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Ông mong các bạn trẻ sẽ ngày càng yêu sách và hình thành thói quen đọc sách mỗi ngày để tiếp thu tri thức của nhân loại và ngày càng phát triển bản thân.
Đề nghị công nhận làng cổ Phước Tích là di tích quốc gia đặc biệt
Công Điền sx
Thông tin từ Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị đang phối hợp với UBND huyện Phong Điền tiến hành các thủ tục đề nghị nâng hạng di tích quốc gia làng cổ Phước Tích trở thành di tích quốc gia đặc biệt.
Làng Phước Tích được thành lập từ năm 1470 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Làng nổi tiếng với nghề làm gốm để sử dụng trong Hoàng cung triều Nguyễn.
Trải qua hàng trăm năm, làng vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của một làng quê thuần Việt. Đáng chú ý có 38 ngôi nhà tuổi đời trên 100 năm, trong đó 12 ngôi nhà có giá trị đặc biệt về kiến trúc, nghệ thuật.
Ngoài ra, nơi đây còn có hệ thống các di tích tín ngưỡng, tôn giáo như đình, chùa, miếu; các di tích của nền văn hóa Chăm Pa; những cây cổ thụ có tuổi thọ hàng trăm năm, những bến nước, sân đình...
Sóc Trăng: 1.400 ha lúa đông xuân muộn bị khô hạn, thiếu nước
Văn Vũ sx
UBND tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức kiểm tra, khảo sát tình hình hạn mặn tại một số địa phương trọng điểm, nằm trong vùng lõi ảnh hưởng do xâm nhập mặn là huyện Kế Sách, Long Phú và Trần Đề.
Theo thống kê của ngành chuyên môn, đến thời điểm này nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của các địa phương vẫn đảm bảo. Bà con đang tranh thủ nồng độ mặn giảm để lấy nước tích trữ vào đồng ruộng, mương vườn.
Riêng đối với trà lúa đông xuân muộn, diện tích lúa bị khô hạn, thiếu nước do mặn xâm nhập đến thời điểm này có 1.400 ha. Trong đó, diện tích bị ảnh hưởng thiệt hại trên 70% gần 39ha. Tập trung chủ yếu tại các trà lúa giai đoạn đẻ nhánh, tại 2 huyện Long Phú và Trần Đề.
Huyện Bố Trạch tiêm vắc xin đàn gia súc đạt trên 75%
Tâm Phùng - Tâm Đức sản xuất
Huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) là địa phương có nhiều vùng gò đồi rất thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gia súc. Những năm gần đây, các địa phương trong huyện đã chú trọng tăng đàn gia súc và chuyển hướng sang cung ứng hàng hóa đàn trâu bò. Ngoài việc tăng đàn, các địa phương cũng đã chú trọng công tác tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc.
Đến nay, tổng đàn gia súc của huyện có gần 25 ngàn con, trong đó đàn bò có gần 19 ngàn con. Từ đầu tháng 3, các địa phương đã lên kế hoạch và triển khai tiêm các loại vắc xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục… cho đàn trâu bò. Đến nay, tỷ lệ tiêm vắc xin đạt trên 75% tổng đàn. Nhiều địa phương có tỷ lệ tiêm vắc xin đạt cao như Hòa Trạch, Mỹ Trạch, Đức Trạch…
Tin dự phòng:
Đại Từ phân bổ hơn 12.000 tấn xi măng xây dựng hạ tầng nông thôn mới
Quang Linh sản xuất
UBND huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên vừa quyết định phân bổ hơn 12.000 tấn xi măng hỗ trợ các xã, thị trấn xây dựng kết cấu hạ tầng trong năm 2024.
Trong số này, có 271 tấn xi măng thuộc nguồn ngân sách huyện, hỗ trợ thị trấn Hùng Sơn và thị trấn Quân Chu xây dựng các công trình hạ tầng.
Số xi măng còn lại là từ nguồn của tỉnh hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới và đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024; cùng với đó hỗ trợ nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư.