Xuất khẩu cà phê vượt tỷ USD sau những tháng đầu năm. Nhật Bản yêu cầu chứng nhận khai thác 4 loài thủy sản. Doanh nghiệp Việt cần đoàn kết nâng thị phần nông sản tại Hàn Quốc. Sơn La và WinMart hợp tác tiêu thụ nông sản chủ lực.
XUẤT KHẨU CÀ PHÊ VƯỢT TỶ USD SAU NHỮNG THÁNG ĐẦU NĂM
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến nửa đầu tháng 3, Việt Nam đã xuất khẩu 452 nghìn tấn cà phê, kim ngạch đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 22% về lượng và tăng 54,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoáiNgoài ra, trị giá xuất khẩu bình quân cũng tăng thêm 500 USD/tấn, lên mức 2.237 USD/tấn.Hiện, thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam trải rộng ở nhiều châu lục,xuất khẩu cà phê các thị trường lớn có thể kể đến như: Đức, Bỉ, Italia, Mỹ…Với sự khởi đầu ấn tượng, cà phê đã vượt nhóm hàng rau quả đang đứng thứ 3 về quy mô kim ngạch trong lĩnh vực nông nghiệp sau nhóm hàng gỗ; thủy sản.
Tổng cục Thủy sản vừa có công văn gửi Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) về việc áp dụng giấy chứng nhận thủy sản khai thác tại thị trường Nhật Bản.Cụ thể, từ ngày 1/12/2022, cơ quan thẩm quyền của Nhật Bản sẽ áp dụng yêu cầu giấy chứng nhận thủy sản khai thác cho 4 loài: Mực ống và mực nang, cá thu đao, cá thu và cá trích khi nhập khẩu vào thị trường nàyNhật Bản là thị trường lớn thứ 2 của thủy sản Việt Nam. Năm 2021, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản đạt hơn 1,3 tỷ USD, chiếm 14,9% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
DOANH NGHIỆP VIỆT CẦN ĐOÀN KẾT NÂNG THỊ PHẦN NÔNG SẢN TẠI HÀN QUỐC
Tư vấn cho các doanh nghiệp mong muốn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, ông Phạm Khắc Tuyên- Trưởng cơ quan Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho rằng: Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc, bên cạnh phải cạnh tranh với hàng nước ngoài, còn phải cạnh tranh với cả hàng Việt.Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với nhau về giá, không cạnh tranh về chất lượng, nhìn tổng thể thị phần hàng Việt sẽ giảm tại Hàn Quốc. Do vậy, cần có chiến lược sản phẩm tốt để đưa vào thị trường và làm cho "miếng bánh" thị phần của hàng Việt lớn hơn. Từ đó, nâng cao thương hiệu của nông sản Việt Nam trong mắt người tiêu dùng nước bạn.Với dân số khoảng 51 triệu người, thu nhập bình quân 35.000 USD/người/năm, Hàn Quốc luôn là thị trường tiềm năng đối với các quốc gia xuất khẩu nông sản như Việt Nam nhờ mức chi tiêu cao của người dân nước này.Năm 2021, Hàn Quốc nhập khẩu 3,8 tỷ USD mặt hàng nông, thủy sản từ Việt Nam, chiếm 3,2% thị phần tại quốc gia này.
SƠN LA VÀ WINMART HỢP TÁC TIÊU THỤ NÔNG SẢN
Nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản Sơn La, sáng 30/3, Đại diện UBND tỉnh Sơn La đã có buổi làm việc với hệ thống bán lẻ WinMart về hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá và đưa sản phẩm tỉnh Sơn La vào hệ thống chuỗi bán lẻ WinMart trên toàn quốc. Tại đây, ông Nguyễn Thành Công – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đánh giá cao sự đóng góp của chuỗi bán lẻ Winmart trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản của địa phương trên cả nước.Thông qua việc hợp tác hỗ trợ này, lãnh đạo tỉnh Sơn La hy vọng WinCommerce sẽ tích cực hỗ trợ việc tiêu thụ nội địa của các sản phẩm nông sản Sơn La, vốn đã được người tiêu dùng ưa chuộng nhiều năm nay với đa dạng đặc sản: trái cây như mận hậu, dâu tây, cam, bưởi, táo, ….Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc vận hành hệ thống bán lẻ WinMart cũng mong muốn có nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn hàng nông sản chất lượng của địa phương nhằm đem tới các sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng trên cả nước.