Xuất khẩu hạt điều giảm 11%. Thả đồi mồi quý hiếm về tự nhiên. Lai Châu có 158 hợp tác xã nông nghiệp. Đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ khai thác thủy hải sản.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 9 đạt hơn 38 nghìn tấn, trị giá gần 234,4 triệu USD, giảm 25,5% về lượng và giảm 31,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.Trong đó, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 6.116 USD/tấn, giảm 8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đây là mức giá xuất khẩu bình quân hạt điều đạt cao nhất kể từ tháng 12, năm 2021.Tính chung 9 tháng năm, xuất khẩu hạt điều đạt trên 380 nghìn tấn, trị giá 2,28 tỷ USD, giảm 11,1% về lượng và giảm 14,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
THẢ ĐỒI MỒI QUÝ HIẾM VỀ TỰ NHIÊN
Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam, tại thị xã Đông Hòa tỉnh Phú Yên phối hợp với Chi cục Nguồn lợi Thủy sản Phú Yên vừa tiến hành thả một con đồi mồi quý hiếm để thả về với biển.Con đồi mồi này dài hơn 60cm, bề ngang 30cm, trọng lượng khoảng 15,5kg, do anh Nguyễn Duy Phong Phong sống tại phường Hòa Hiệp Nam, TX Đông Hòa mua lại của các em học sinh vừa bắt được.Ngay sau khi mua lại, anh Phong đã đến đến Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam trình báo, đồng thời bàn giao con đồi mồi quý hiếm để cho ngành chức năng thả về với biển.
LAI CHÂU CÓ 158 HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP
Toàn tỉnh Lai Châu hiện có 158 HTX đang hoạt động lĩnh vực nông nghiệp; tăng 11 HTX so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất lâm nghiệp. Những năm gần đây, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã trong nông lâm nghiệp ở Lai Châu, đã từng bước khẳng định là hướng đi đúng của nhiều địa phương, quy tụ các mô hình sản xuất kinh tế hộ manh mún, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo việc làm và nâng cao năng suất.Trong 9 tháng đầu năm, Lai Châu ghi nhận 14 HTX nông nghiệp thành lập mới, doanh thu bình quân của mỗi HTX ước đạt 850 triệu đồng, thu nhập bình quân lao động mỗi tháng khoảng 4,5 triệu đồng/người.
ĐẢM BẢO NGUỒN CUNG XĂNG DẦU PHỤC VỤ KHAI THÁC THỦY HẢI SẢN
Sau thời gian dài neo đậu, nguồn cung xăng dầu khan hiếm thì từ giữa tháng 10 đến nay nhiều tàu đánh bắt thuỷ sản tại tỉnh Sóc Trăng đã bắt đầu ra khơi trở lại.Ông Phạm Văn Hứa, Giám đốc BQL Cảng Cá Trần Đề, thị trấn Trần Đề, H. Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng khẳng định, nguồn nguyên liệu phục vụ đánh bắt thuỷ sản trên địa bản vẫn được đảm bảo. Trước đó, trong tháng 5-6 do giá nguyên liệu tăng cao, tỉnh Sóc Trăng có hơn 80% tàu cá nằm bờ hoặc neo đậu ngoài biển.Hiện nay trên địa bàn tỉnh Sóc trăng có gần 1000 tàu cá, trong đó có 338 tàu cá từ 15m trở lên đánh bắt xa bờ, trung bình mỗi ngày tại cảng biển Trần Đề có khoảng 10 tàu vào bến. Trong 9 tháng đầu năm tổng sản lượng khai thác thuỷ sản qua cảng đạt 52.000 tấn.