Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cao kỷ lục. Việt Nam nằm trong tốp 10 nước sản xuất dừa lớn nhất thế giới. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ đạt 5,2 tỷ USD. Việt Nam nhập khẩu hơn 3 triệu tấn lúa mì.
XUẤT KHẨU NÔNG SẢN SANG TRUNG QUỐC CAO KỶ LỤC
Khai thác
Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc 9 tháng đầu năm nay đạt kim ngạch cao nhất trong hàng chục năm qua. Giá trị xuất cao gấp nhiều lần 4 nước trong nhóm 5 dẫn đầu gồm Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan.
Theo đó, 3 quý đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc đạt hơn 8,7 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, riêng nông sản chiếm 70%, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, với hơn 6,2 tỷ USD. Rau quả tăng 160% cùng kỳ năm 2022, trong đó sầu riêng đạt 1.500.000.000 USD.
So với năm 2022, thị phần nhập khẩu rau quả Việt Nam của Trung Quốc chiếm 43% tổng kim ngạch nông, lâm, thủy sản, năm nay chiếm đến 65%.
Trong quý IV này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo xuất khẩu nông sản sẽ thiết lập nhiều kỷ lục mới. xuất khẩu nông sản
VIỆT NAM NẰM TRONG TOP 10 NƯỚC SẢN XUẤT DỪA LỚN NHẤT THẾ GIỚI
Khai thác
Để chuẩn bị tốt cho việc xuất khẩu chính ngạch trái dừa tươi sang thị trường Trung Quốc, tỉnh Bến Tre đã xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung; sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ có 5 vùng và 1 vùng sản xuất dừa uống nước. Hiện, tỉnh này đã xây dựng diện tích dừa tham gia chuỗi giá trị trên 23.700 ha, chiếm trên 30% tổng diện tích dừa của tỉnh, cho sản lượng trên 230.000 tấn. Trong đó, tổng diện tích dừa hữu cơ trên 18.000 ha và diện tích đạt chứng nhận 11.600 ha theo tiêu chuẩn xuất đi Mỹ, Nhật và EU. Các sản phẩm dừa Bến Tre đã có mặt trên thị trường của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Hiện, Việt Nam đứng thứ 7 về sản xuất dừa trên toàn thế giới với diện tích trên 188.000ha, chiếm 1,67% diện tích dừa trên thế giới, 2,07% diện tích dừa châu Á. Dừa tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tính riêng 4 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long, tổng diện tích đã vượt 130.000ha.
XUẤT KHẨU GỖ VÀ SẢN PHẨM GỖ SANG HOA KỲ ĐẠT 5,2 TỶ USD
Khai thác
Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Hoa Kỳ trong tháng 9/2023 đã dần phục hồi, đạt hơn 616 triệu USD, tăng 7,5% so với tháng 9/2022. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường này đạt 5,2 tỷ USD, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2022, mức độ giảm đang có xu hướng thu hẹp khi nhu cầu nhập khẩu của thị trường này tăng trong những tháng gần đây.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Hoa Kỳ phục hồi góp phần thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng khả quan hơn trong những tháng cuối năm, bởi trị giá xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 53,7% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm 2023, gỗ và sản phẩm gỗ còn xuất khẩu tới nhiều thị trường khác như: Nhật Bản đạt 1,26 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc đạt 1,23 tỷ USD, Hàn Quốc đạt 583 triệu USD...
VIỆT NAM NHẬP KHẨU HƠN 3 TRIỆU TẤN LÚA MÌ
Khai thác
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu lúa mì về Việt Nam trong 9 tháng qua, nhập khẩu mặt hàng này về Việt Nam đạt hơn 3,3 triệu tấn với trị giá hơn 1,1 tỷ USD, tăng 2,6% về lượng nhưng giảm 6,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Australia, Mỹ và Brazil là 3 thị trường lớn nhất cung cấp lúa mì cho Việt Nam.
Theo đó, lúa mì được nhập khẩu nhiều nhất từ Australia đứng ở vị trí đầu tiên, đạt hơn 2,43 triệu tấn với trị giá hơn 833 triệu USD, tăng 1,45% về lượng nhưng giảm 9,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá nhập khẩu đạt bình quân 343 USD/tấn, giảm 10,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng 71,8%.