Xuất khẩu rau quả phục hồi, tăng trưởng ấn tượng tại nhiều thị trường. Chủ động phòng trừ nhện đỏ trên khoai mì. Tăng trưởng 457%, Hàn Quốc là điểm sáng xuất khẩu cá ngừ. Nông dân hạn chế bỏ ruộng nhờ mạ khay máy cấy.
XUẤT KHẨU RAU QUẢ TĂNG TRƯỞNG ẤN TƯỢNG Ở NHIỀU THỊ TRƯỜNG
Theo báo cáo của Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường, sau một năm lao dốc, thị trường rau quả đang có tín hiệu tích cực khi hai tháng đầu năm, xuất khẩu tăng 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 592 triệu USD. Trong đó, Trung Quốc dẫn đầu về thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong hai tháng qua, với 57,5% thị phần. Sầu riêng, mít, dưa hấu, khoai lang là những mặt hàng được xuất mạnh sang quốc gia này. Ngoài Trung Quốc, xuất khẩu rau quả sang Lào cũng tăng đột biết, gấp 3 lần so với cùng kỳ 2022. Tiếp đến, các thị trường Hoa Kỳ, EU cũng đã đặt hàng nhiều loại rau quả Việt Nam.Đại diện một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sầu riêng, bưởi đi Hoa Kỳ, Trung Quốc cho biết, hiện nay, giá cước vận tải đường biển đã giảm về mức trước khi có dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp xuất khẩu có nhiều thuận lợi hơn để nâng mức cạnh tranh về giá của nông sản Việt trên thị trường quốc tế.
Chủ động phòng trừ nhện đỏ trên khoai mì
Thời điểm này đang vào cao điểm mùa khô nên một số dịch hại trên cây khoai mì ở tỉnh Tây Ninh phát triển mạnh, nhất là nhện đỏ khiến nông dân bất an. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh, nhện đỏ thường xuất hiện ở giai đoạn nắng nóng. Vì vậy, vào mùa khô, người dân cần tưới nước thường xuyên bằng hệ thống tưới phun bằng béc cố định hoặc dây phun để khống chế sự phát sinh và phá hại của nhện; bảo vệ thiên địch của nhện đỏ trên đồng ruộng như bọ rùa... Nếu cây mì bị nhện đỏ tấn công phải xịt thuốc trị kịp thời. Triệu chứng gây hại của nhện đỏ thường bắt đầu xuất hiện ở mặt dưới của những lá già, sau đó chuyển dần lên các lá phía ngọn. Khi nhện đỏ phát triển nhiều sẽ gây hại cả hai bề mặt của lá, thậm chí cả thân cây và đặc biệt là phần ngọn non.
BẢNG: MỘT TRONG CÁC LOẠI THUỐC HÓA HỌC KHÁNG NHỆN ĐỎ ĐƯỢC KHUYẾN CÁO SỬ DỤNG Dầu khoáng, Hexythiazox (Nissorun 5EC...), Acrinathrin (Rufast 3 EC), Propargite, Abamectin + Emamectin (Acprodi 65 EC).
TĂNG TRƯỞNG 457%, HÀN QUỐC LÀ ĐIỂM SÁNG XUẤT KHẨU CÁ NGỪ
Trong bối cảnh xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường chính sụt giảm trong tháng 1/2023, xuất khẩu sang Hàn Quốc lại có sự tăng trưởng ấn tượng 457% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ đó, Hàn Quốc trở thành 1 trong 8 thị trường nhập khẩu cá ngừ chính của Việt Nam trong tháng đầu năm nay.Hiện nay, Sản lượng khai thác giảm đã khiến cho nguồn cung nguyên liệu để phục vụ sản xuất cá ngừ chế biến đóng hộp giảm, Hàn Quốc phải tăng nhập khẩu cá ngừ chế biến đóng hộp và cá ngừ sống/tươi/đông lạnh từ các nước.Năm 2022, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Hàn Quốc đã tăng trưởng cao liên tục trong nửa cuối năm. Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt gần 7 triệu USD, tăng 84% so với năm 2021. Dự báo, xu hướng tăng trưởng này vẫn tiếp tục trong tháng đầu năm 2023.
HẠN CHẾ TÌNH TRẠNG NÔNG DÂN BỎ RUỘNG NHỜ CẤY MÁY, MẠ KHAY
Vụ xuân năm 2023 là vụ thứ tư tỉnh Hà Nam triển khai phương pháp cấy máy, mạ khay. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, phương pháp này giúp đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, chi phí sản xuất giảm từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/sào. Lúa cấy bằng máy nông, mật độ cây lúa đồng đều phát huy được hiệu ứng hàng biên; ruộng lúa thông thoáng ít sâu bệnh; năng suất lúa cao hơn từ 10% đến 20% so với các phương pháp khác. Đặc biệt, việc đưa cơ giới hóa trong khâu sản xuất lúa bằng gieo mạ phương pháp mạ khay, cấy máy hiện nay giúp giải quyết được vấn đề thiếu lao động làm nông nghiệp và tình trạng bỏ hoang ruộng đất ngày một tăng trong những năm gần đây. Với nhiều ưu điểm, phương pháp mạ khay, cấy máy đã và đang được các địa phương nhân rộng.