Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 51% chạm mốc 1,5 tỷ USD. Nhật Bản tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam. Nông sản Việt còn nhiều dư địa tại Pháp. Giá điều tươi đầu vụ cao nhất 27.000 đồng/kg.
XUẤT KHẨU THỦY SẢN 2 THÁNG ĐẦU NĂM TĂNG 51% CHẠM MỐC 1,5 TỶ USD
Theo hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam – VASEP, xuất khẩu thủy sản của nước ta sau khi tăng 44% đạt 872 triệu USD trong tháng đầu tiên 2022. Tiếp tục tăng đột phá tới 62%, ước đạt 635 triệu USD trong tháng 2 năm nay. Tính chung 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản cả nước đã chạm mốc 1,5 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo xuất khẩu thủy sản những tháng tới tiếp tục tăng trưởng khả quan do nhu cần từ các thị trường lớn vẫn giữ được đà phục hồi mạnh từ cuối năm 2021. Tuy nhiên, xung đột Nga – Ukraine dự kiến sẽ đẩy giá xăng dầu lên cao, kéo theo chi phí đầu vào tăng lên, ảnh hưởng lớn đến giá thành và lợi nhuận của các công ty thủy sản.
NHẬT BẢN TĂNG NHẬP KHẨU CÀ PHÊ TỪ VIỆT NAM
Theo Số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế - ITC, năm 2021, Nhật Bản tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, nhưng giảm nhập khẩu từ các thị trường cung cấp chính như: Colombia, Guatemala, Ethiopia. Cụ thể, nhập khẩu cà phê của xứ sở hoa anh đào từ nước ta trong năm vừa qua đạt xấp xỉ 101 nghìn tấn, trị giá gần 183 triệu USD, tăng 0,2% về lượng và tăng 7,7% về trị giá so với năm 2020. Văn hóa uống cà phê châu Âu đang ảnh hưởng lớn đến tập quán tiêu thụ đồ uống nóng tại Nhật Bản, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu đối với cà phê trong giới trẻ. Điều này không chỉ khiến giới trẻ tiêu dùng cà phê hòa tan tại các quán cà phê đặc biệt và các cửa hàng cà phê có thương hiệu, mà còn khuyến khích họ tự pha chế cà phê hòa tan tại nhà, khiến nhu cầu về các loại cà phê hòa tan có xuất xứ từ các quốc gia Châu Á như Việt Nam tăng cao.
NÔNG SẢN VIỆT CÒN NHIỀU DƯ ĐỊA TẠI PHÁP
Theo số liệu của Hải quan Pháp, trong tổng số 500 mã hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất của Việt Nam vào quốc gia này năm 2021, chỉ có 50 mã hàng là các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, với kim ngạch 277 triệu euro, tương đương khoảng 5% tổng giá trị xuất khẩu của top 500 nói trên. Đơn cử như gạo, Pháp là quốc gia nhập khẩu lớn nhất khu vực EU với nhu cầu hàng năm khoảng 600.000 tấn, nhưng sản lượng gạo Việt vào được thị trường này mới chiếm khoảng 2,1% thị phần.Theo thương vụ Việt Nam tại Pháp, tiềm năng đến từ cấu trúc và thị trường vẫn chưa được khai thác hết, còn nhiều dư địa để gia tăng thị phần mặt hàng nông sản, thực phẩm sang thị trường này nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU. Song, để tiếp cận và thâm nhập thị trường EU và đặc biệt là Pháp, các doanh nghiệp nên tham gia các hội chợ bán lẻ, hội chợ chuyên ngành. Đây là khởi đầu cần thiết cho bất cứ một doanh nghiệp nhỏ và vừa nào muốn lần đầu tiên thâm nhập vào quốc gia này.
GIÁ ĐIỀU ĐẦU VỤ CAO NHẤT 27.000 ĐỒNG/KG
Thời điểm này, các nhà vườn trồng điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang bước vào giai đoạn thu hoạch đầu vụ. Tuy nhiên, giá điều tươi tại vựa đang thấp hơn so với niên vụ năm 2021 từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Theo nhiều hộ dân, đầu vụ năm nay các thương lái đang thu mua với giá khoảng 26.000 - 27.000 đồng/kg, cùng thời điểm năm ngoái giá dao động khoảng 29.000 - 30.000 đồng/kg. Bình Phước hiện được xem là “thủ phủ” điều của cả nước với hơn 134.000 ha. Thời điểm tháng 3 này, địa phương đang hứng chịu ảnh hưởng của thời tiết mưa kéo dài báo hiệu sản lượng giảm, người dân thất thu.