Xuất khẩu thủy sản quý 1/2022 dự báo vượt 2 tỷ USD. Khó khăn trong cấp mã vạch trực tuyến hàng hoá xuất sang Trung Quốc. Giá gương sen ĐBSCL giảm 18.000 đồng/kg. Người nuôi tôm hùm lưỡng lự thả giống do đầu ra khó khăn.
XUẤT KHẨU THỦY SẢN QUÝ I/2022 VƯỢT 2 TỶ USD
Theo Bộ NN&PTNT, nhờ tăng trưởng cao ngay từ những tháng đầu 2022, xuất khẩu thủy sản trong quý I năm nay dự kiến đạt hơn 2 tỷ USD.Hoạt động sản xuất, chế biến thủy sản hiện đã trở lại bình thường như trước dịch Covid-19; nhu cầu từ các thị trường cũng rất cao, doanh nghiệp có nhiều đơn hàng lớn; xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm đều tăng đột phá. Thậm chí một số quốc gia đang chuyển hướng sang nhập khẩu thủy sản Việt Nam do sự biến động của chuỗi cung ứng toàn câu từ căng thẳng Nga – Ukranie.Trong 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản tăng 47,2% so với cùng kỳ, đạt gần 1,5 tỷ USD. Tiếp tục đà hồi phục sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp thủy sản đẩy mạnh xuất khẩu nhiều loài thủy sản thế mạnh như cá tra tăng 83,3%, tôm tăng 34,3%.
KHÓ KHĂN TRONG CẤP MÃ VẠCH TRỰC TUYẾN SANG TRUNG QUỐC
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP, việc đăng ký mã số hàng hóa sang Trung Quốc thời gian quan đang gặp nhiều khó khăn có thể kể tới như: doanh nghiệp chưa được cấp tài khoản truy cập khi xử lý hồ sơ trên hệ thống dù đã thao tác đúng nhưng một số trường hợp không hiển thị mã.Đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, dù làm đi làm lại nhiều lần nhưng ngôn ngữ, hệ thống đăng ký của Trung Quốc khác biệt, phức tạp gây rất nhiều khó khăn cho các đơn vị đăng ký, khiến hoạt động giao thương hàng hóa gặp ngưng trệ.Do đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn, các cơ quan chức năng Việt Nam liên hệ, trao đổi với hải quan Trung Quốc để tìm hiểu các quy định liên quan và đề nghị phía nước bạn có văn bản hướng dẫn nhằm kịp thời cung cấp cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản để giải quyết các vướng mắc trênTính đến giữa tháng 3 đã có 1.853 doanh nghiệp được hải quan Trung Quốc cấp mã, đảm bảo xuất khẩu nông sản, thực phẩm của doanh nghiệp Việt Nam.
GIÁ GƯƠNG SEN ĐBSCL GIẢM 18.000 ĐỒNG/KG
Giá gương sen tại ĐBSCL đang được thương lái thu mua ở mức 22.000 đồng/kg. Nhiều nông dân cho biết, mức giá này đã giảm khoảng 18.000 đồng/kg so với thời điểm Tết Nguyên đán 2022 nhưng nhìn chung vẫn còn khá cao.Tuy nhiên, giá mặt hàng này thường xuyên bấp bênh nên bà con tại nhiều địa phương đã giảm diện tích trồng. Trong năm 2021 có thời điểm giá gương sen chỉ ở mức 8.000-9.000 đồng/kg do đầu ra gặp khó vì dịch Covd-19. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp giá gương sen duy trì ở mức cao từ đầu năm 2022.
NGƯỜI NUÔI TÔM HÙM LƯỠNG LỰ THẢ GIỐNG DO ĐẦU RA KHÓ KHĂN
Từ đầu năm đến nay, việc tiêu thụ, nuôi mới tôm hùm tại các địa phương tại Khánh Hòa đang gặp nhiều khó khăn do thương lái không thu mua hoặc thu mua với giá thấp. Đặc biệt, đầu ra khó khăn khiến người nuôi lưỡng lự thả giống mới do thiếu vốn tái đầu tư. Trong khi giá vật tư nông nghiệp, nhân công, xăng dầu liên tục tăng cao. Hiện tôm hùm bông loại 1 có giá chưa đến 1.300.000 đồng/kg, còn tôm hùm xanh được bán ra ở mức 700.000 đồng/kg.Trong khi đó, trước Tết Nguyên đán, giá tôm hùm bông loại 1 lên tới 2,1 triệu đồng/kg, tôm hùm xanh là 1 triệu đồng/kg.Nguyên nhân chính của tình trạng này tới từ việc tôm hùm xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Trong khi sức tiêu thụ nội địa vẫn yếu và các thị trường quốc tế vẫn chưa tiếp cận nhiều tới sản phẩm tôm hùm nuôi của nước ta.