Xuất khẩu thuỷ sản quý 2 có thể cán mốc kỷ lục 3 tỷ USD. Tuyên truyền nhận thức ngư dân về chống khai thác IUU. Nguy cơ sâu bệnh hại lúa do đợt không khí lạnh bất thường. Giá nhãn trái vụ cao gấp 3 lần chính vụ.
XUẤT KHẨU THUỶ SẢN QUÝ 2 CÓ THỂ CÁN MỐC KỶ LỤC 3 TỶ USD
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP, Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục là những thị trường chủ đạo đối với việc duy trình tốc độ tăng trưởng của ngành thủy sản trong những tháng tới.Tuy chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc đang gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động xuất khẩu nông sản nói chung, nhưng nhu cầu thủy sản của quốc gia đông dân nhất thế giới lại rất lớn do nước này đang thiếu hụt nguồn cung cho chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Với thị trường Hoa Kỳ, nhiều mặt hàng xuất khẩu thủy sản chủ lực của Việt Nam đang có cơ hội lớn gia tăng thị phần, nhất là cá tra do sản lượng cá da trơn ở Hoa Kỳ giảm.Ngoài ra, sự thiếu hụt về nguồn cung trên thị trường thế giới do tác động từ xung đột Nga - Ukraina cũng là cơ hội lớn để xuất khẩu từng mặt hàng chủ lực nói riêng và xuất khẩu thủy sản nói chung.Với những yếu tố trên, VASEPdự báo xuất khẩu thuỷ sản quý 2 năm nay sẽ đạt mức kỷ lục 3 tỷ USD, tăng khoảng 38% so với cùng kỳ năm trước.
TUYÊN TRUYỀN NHẬN THỨC NGƯ DÂN VỀ CHỐNG KHAI THÁC IUU
Ngày 17/5, Đoàn công tác Cục kiểm ngư phối hợp với Chi đội kiểm ngư số 2, Bộ đội Biên phòng, Công an, Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức chương trình tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân về biển đảo, các quy định về khai thác thuỷ sản, tình hình tàu cá vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép.Trước đó, Đoàn công tác đã đến các cảng cá khảo sát thực tế, tìm hiểu nguyên nhân, thu thập thông tin điều tra ban đầu để có giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài nhằm sớm gỡ “thẻ vàng” theo khuyến nghị của EC và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đoàn công tác đã tiến hành trao hơn 200 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân và bàn giao gần 2000 lá cờ Tổ quốc cho Chi đội kiểm ngư số 2 và Chi cục thuỷ sản tỉnh BR-VT để tiếp tục phát cho các tàu cá với thông điệp “Đồng hành cùng ngư dân bám biển, sản xuất hiệu quả, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và góp phần khẳng định, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc”.
NGUY CƠ SÂU BỆNH HẠI LÚA DO ĐỢT KHÔNG KHÍ LẠNH BẤT THƯỜNG
Từ ngày 15/5, đợt không khí lạnh hiếm gặp trong 40 năm qua tại các tỉnh phía Bắc làm nhiệt độ giảm sâu, gây mưa giông xen kẽ, biên độ nhiệt ngày và đêm lớn trùng vào giai đoạn lúa trỗ bông. Đây là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh và gây hại mạnh, có thể bùng phát gây hại trên diện rộng, làm giảm sút năng suất lúa xuân.Ngành nông nghiệp các tỉnh phía Bắc đã có nhiều khuyến cáo tới bà con nhằm giảm thiểu thiệt hại. Trong đó, Sở NN-PTNT Nam Định đề nghị cơ quan chức năng các huyện, thành phố tranh thủ thời tiết thuận lợi, khẩn trương phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông cho những diện tích lúa phun xong gặp mưa, hoặc những vùng lúa bắt đầu trỗ 3 - 5% số bông.
GIÁ NHÃN TRÁI VỤ CAO GẤP 3 LẦN CHÍNH VỤ
Trong bối cảnh nhiều loại trái cây bước vào vụ thu hoạch với áp lực tiêu thụ lớn, việc sản xuất, tiêu thụ nhãn Hương Chi trái vụ ở tỉnh Đăk Lăk lại cho tín hiệu rất khả quan.Hiện nhãn Hương Chi trái vụ được thu mua tại vườn với giá thấp nhất là 25.000 đồng/kg, cao điểm lên đến 30.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần so với chính vụ.Ưu điểm của nhãn Hương Chi là ra rất nhiều đợt hoa, gặp thời tiết không thuận lợi, nếu đợt hoa không đậu thì có đợt hai, đợt ba, do đó năng suất ổn định hơn các giống nhãn khác, sản lượng thu hoạch càng về vụ sau càng cao hơn những vụ trước.Quả to, cơm dày và khô, hương vị ngọt thanh, đặc biệt là có thể để được bên ngoài từ 7 - 10 ngày là nguyên nhân chính giúp nhãn Hương Chi luôn hút hàng. Nhãn Hương Chi chủ yếu được tiêu thụ trong nước, một số ít đã được xuất khẩu.Hiện nay huyện Eakar có khoảng 1.200 ha trồng nhãn Hương Chi, với gần 1.300 hộ trồng, nhiều nhất tỉnh Đăk Lăk, và đang tiếp tục mở rộng vùng trồng.