Xuất khẩu tôm tháng 3/2022 dự báo tăng 40%. Nguồn cung mía đường dồi dào. Người nuôi cá tra lãi 6.000 - 7.000 đồng/kg. Hà Nội giảm 25.000ha đất lúa.
XUẤT KHẨU TÔM THÁNG 3/2022 DỰ BÁO TĂNG 40%
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) xuất khẩu tôm trong tháng 2/2022 đạt 244,8 triệu USD, tăng 55% so với tháng 2/2021, tính chung, 2 tháng xuất khẩu tôm đạt gần 558 triệu USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm nước ta tăng trưởng tốt ở tất cả các thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc,... trừ thị trường Nga do bị gián đoạn trước tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine.VASEP dự báo, XK tôm tiếp tục tăng trưởng khoảng 40% trong tháng 3 bất chấp khó khăn do phí vận tải quốc tế tăng và sự cạnh tranh lớn từ các nước như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia...
NGUỒN CUNG MÍA ĐƯỜNG DỒI DÀO
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam(VSSA) , trong tháng 2/2022 toàn ngành đã ép được hơn 3,8 triệu tấn mía, sản xuất được 365.000 tấn đường.Nguồn cung tồn từ vụ ép 2021/2022 cộng với đường nhập khẩu chính ngạch từ các nước ASEAN, cùng 1 phần lớn lượng đường gian lận qua biên giới Tây Nam là các yếu tố khiến thị trường thừa cung.VSSA dự báo, sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 3/2022 cũng như các tháng kế tiếp; ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu. Tuy vậy,xung đột Nga – Ukraine và các động thái liên quan đến các hoạt động trừng phạt kinh tế có thể gây ra những tác động khó lường đến thị trường nguồn cung năng lượng và ngũ cốc cho thị trường thế giới. Điều này có thể khiến cho thị trường hàng hóa, trong đó có mặt hàng đường có xu hướng tăng.
NGƯỜI NUÔI CÁ TRA LÃI 6.000-7.000 ĐỒNG/KG
Hiện nay diện tích thả nuôi cá tra ở tỉnh Đồng Tháp hơn 1.000ha, thu hoạch hơn 43.000 tấn, với cá tra nguyên liệu hiện nay bán được từ 29.000-30.000 đồng/kg. Giá thành cho 1kg cá tra từ 23.000-24.000 đồng, người nuôi lãi từ 6.000-7.000 đồng/kg.Giá cá tra tăng mạnh hiện nay là do nhiều hộ treo ao vì dịch COVID-19, nhiều hộ không thả cá nuôi do giá quá thấp không có lời... dẫn đến tình trạng khan hiếm nguyên liệu đầu vào. Mặc dù giá cá tra nguyên liệu tăng, nhưng những hộ, doanh nghiệp ở Đồng Tháp vẫn giữ vững vùng nuôi cá tra.Trước tình hình giá cá tra lên xuống bất thường, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Sở Công Thương tăng cường công tác thông tin thị trường mà Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do, để định hướng cho người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu cá tra; đổi mới, tìm kiếm thị trường tiêu thụ mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp.
HÀ NỘI GIẢM 25.000HA ĐẤT LÚA
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, mặc dù đã có nhiều cải tiến trong sản xuất lúa theo hướng hàng hóa nhưng giá trị cây lúa vẫn thấp hơn nhiều so với các loại rau màu, cây ăn quả, hoa - cây cảnh. Vì vậy, trong định hướng cơ cấu lại sản xuất trồng trọt, Hà Nội sẽ giảm dần diện tích đất lúa xuống còn 140.000ha vào năm 2025 (giảm hơn 25.000ha). Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP hiện còn 165.593ha đất trồng lúa, tại 23 quận, huyện thị xã. Vụ Xuân 2022, diện tích canh tác lúa của thủ đô đạt hơn 81.000ha.Diện tích canh tác rau màu, cây ăn quả, hoa - cây cảnh sẽ tăng lên lần lượt 38.000ha, 25.750ha, 9.000ha; đồng thời giữ ổn định diện tích cây chè hiện nay là 2.500ha.