| Hotline: 0983.970.780

Xung đột Nga-Ukraine: Ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp Việt?

Thứ Năm 17/03/2022 , 08:37 (GMT+7)

Cuộc xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng cũng mở ra cơ hội để phát triển, thâm nhập vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU.

Duy Anh Foods chủ động lấy nguyên liệu đầu vào (gạo) trong vòng 6 tháng. Ảnh: Duy Anh Foods.

Duy Anh Foods chủ động lấy nguyên liệu đầu vào (gạo) trong vòng 6 tháng. Ảnh: Duy Anh Foods.

Chuyển đổi để thích ứng

Công ty TNHH XNK thực phẩm Duy Anh - Duy Anh Foods (huyện Củ Chi) là một trong những doanh nghiệp (DN) phát triển các sản phẩm làm từ gạo – một nguyên liệu truyền thống nổi tiếng của Việt Nam như bánh tráng thanh long, bún dưa hấu, bún khoai lang tím, phở vắt, bánh hỏi…. đã xuất khẩu đến 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường khó tính. Tỷ lệ tiêu thụ tại thị trường nội địa của Duy Anh Foods khoảng 30%, trong khi đó 70% dành cho xuất khẩu, trung bình mỗi ngày xuất khẩu 2 container hàng.

Theo ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Duy Anh Foods, DN có 4 khách ở Nga, 1 khách ở Ukraine, trung bình mỗi tháng xuất sang hai thị trường này khoảng 5 container. “Khi cuộc xung đột Nga-Ukraine diễn ra, các chuyến tàu vận chuyển quốc tế vẫn hoạt động nhưng chỉ sau một tuần, họ báo lại không có chuyến tàu nào đi Nga. Trong khi đó, sản phẩm của mình đã chuẩn bị sẵn sàng để đóng container xuất đi, nên tất cả phải dừng lại và đem lưu kho”, ông Toàn cho hay.

Câu hỏi đặt ra lúc này với DN là làm gì với số hàng lưu kho, bao giờ hàng mới được xuất đi. Để ứng phó với tình hình, ông Toàn cho biết, DN đã phải chuyển một số sản phẩm (chưa đóng thành phẩm – PV) chưa thể xuất đi Nga và Ukraine sang đóng gói bao bì phù hợp để xuất đi các nước khác như Ba Lan, Tiệp Khắc… 

Ông Toàn nhìn nhận, do thị trường Nga, Ukraine chỉ chiếm khoảng 10% sản lượng của Duy Anh Foods, nên hiện tại chưa ảnh hưởng nhiều lắm đến DN. Theo ông Toàn, DN đang bắt đầu vào giai đoạn chạy bù lại khoảng thời gian nghỉ dịch Covid-19 vì không thể thực hiện “ba tại chỗ”, thì lại đối mặt với sự tăng giá xăng dầu, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, cước tàu tăng, cộng với ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến cho DN gặp không ít khó khăn. “Các hợp đồng đã được ký trước với khách hàng nước ngoài, do đó vẫn phải giữ mức giá ổn định từ 6 tháng đến 1 năm, không thể tăng giá”, ông Toàn nói.

Để khắc phục, ông Toàn cho biết, trước mắt, DN cũng đã chủ động phần nguyên liệu đầu vào, ký các hợp đồng lấy đơn gạo trong 6 tháng để giữ giá ổn định. Ngoài ra, điều chỉnh máy móc chạy nhanh hơn để ra sản phẩm nhanh, bớt chi phí nhân công.

Các doanh nghiệp Việt phải tự thay đổi để thích ứng với tình hình. Ảnh: Duy Anh Foods.

Các doanh nghiệp Việt phải tự thay đổi để thích ứng với tình hình. Ảnh: Duy Anh Foods.

Ông Đoàn Minh Quốc, Giám đốc Công ty kính Đình Quốc cho biết, qua tác động trực tiếp của Covid-19 và tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine, nguyên liệu đầu của DN phải nhập từ Mỹ tăng giá. DN không đặt được container, trong khi giá container tăng, vận chuyển tăng. Các nhà cung cấp thì yêu cầu phải thanh toán trước, đặt tàu trước, đặt nguyên liệu trước… làm ảnh hưởng tới dòng tiền của DN.

Theo ông Quốc, để các DN vượt qua giai đoạn khó khăn này, bắt buộc DN phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, giảm bớt chi phí nhân sự, nhà máy, bớt đi chi phí không cần thiết… để tối ưu hóa sản xuất, giúp “con tàu” của DN nhỏ gọn hơn; chuẩn bị tâm thế chủ động để dòng tiền, đa dạng hóa kênh sản phẩm phù hợp. Ông Quốc cho rằng, dù cuộc xung đột không tác động trực tiếp đến Việt Nam, nhưng nó tác động gián tiếp, DN cũng phải ứng phó để phù hợp với thời cuộc.

Đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Cơ hội xuất khẩu nông sản sang thị trường EU

Tại tọa đàm “Doanh nghiệp Việt trước tác động của cuộc chiến Nga-Ukraine” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức, TS Trần Quốc Hùng, Giám đốc điều hành Viện Tài chính Quốc tế IIF (Mỹ) cho rằng, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã gây xáo trộn lớn trên thị trường tài chính, dầu khí, ngũ cốc thế giới; làm tăng lạm phát, giảm tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới. Việt Nam cũng chịu tác động của các ảnh hưởng này, nhưng cũng có thể tìm thấy cơ hội để phát triển.

Nga và Ukraine là hai nước cung cấp hơn 30% cho thị trường lúa mì thế giới. Chiến tranh và cấm vận đã làm giá lúa mì tăng 50% trong tháng qua, đẩy giá các loại ngũ cốc và nông phẩm khác. Nếu tình hình chiến sự kéo dài, mức cung lúa mì cho thị trường thế giới có thể giảm 30%, tạo ra khủng hoảng lương thực, giá nông phẩm tăng cao thêm và nạn đói ở một số vùng.

“Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu gạo trên 6,5 triệu tấn/năm, đứng thứ hai trên thế giới sau Ấn Độ (xuất 18,7 triệu tấn/năm). Vì thế, giá gạo và nông phẩm tăng thì có lợi cho Việt Nam, chủ yếu là các DN xuất khẩu lúa gạo và nông phấm; nhưng cũng tăng giá lương thực đối với người tiêu dùng”, TS Hùng nhìn nhận.

Theo TS Hùng, thời điểm này cũng là cơ hội rất tốt để Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu gạo và các loại nông phẩm lương thực sang thị trường EU có nhu cầu đang tăng, mỗi năm nhập khoảng 160 tỷ USD lương thực.

Về lâu dài, TS Hùng cho rằng, các DN Việt cần thay đổi và quyết tâm thay đổi, nhất là về mặt tiêu chuẩn và công nghệ, để có thể thâm nhập vào các thị trường khó tính, đòi hỏi tiêu chuẩn cao như EU và Mỹ.

“Việt Nam nên tập trung nâng cao thị phần của mình trong thị trường EU, trước mắt là sử dụng hết hạn ngạch xuất lúa gạo 80.000 tấn/năm với suất thuế quan 0% theo Hiệp định tự do thương mại EU-VN (EVFTA), năm 2021 Việt Nam mới chỉ xuất 60.000 tấn/năm. Đặc biệt, nên phát triển các loại gạo thơm cấp cao, nhiều giá trị đang được người tiêu thụ châu Âu ưa chuộng.

Điều quan trọng là chính phủ, các hiệp hội DN và bản thân DN cần tìm hiểu về luật cấm vận của Mỹ và tiến hành thảo luận với đối tác Mỹ để tránh bị chế tài vì bị cáo buộc vi phạm các biện pháp cấm vận đối với Nga”, TS Trần Quốc Hùng khuyến nghị.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS), cho rằng, phân bón, thức ăn chăn nuôi sẽ tăng giá, nhập khẩu sẽ khó khăn hơn. Thị trường xuất khẩu lương thực sẽ có vấn đề, sẽ gây ra hiệu ứng thay thế, đẩy mặt bằng giá, trong khi lượng xuất khẩu không thay đổi. Về mặt tổng thể, Việt Nam sẽ có lợi ích nhất định về giá, đây là chi tiết mà các DN cân nhắc khi thương thảo các hợp đồng để tránh thiệt thòi.

Ngoài ra, DN đã, đang và sẽ phải chịu sức ép từ giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao, trong khi dư địa về tài khóa để có thể hỗ trợ cho DN hiện nay không còn nhiều. Ông Thành cho rằng, Chính phủ có thể hỗ trợ phần nào đó khó khăn cho người dân, DN như các biện pháp giảm thuế, sử dụng quỹ bình ổn để ngăn chặn giá nhiên liệu tăng đột biến. Mặt khác, đã đến lúc cả DN và người dân phải làm quen với các cuộc khủng hoảng, các biến động thường xuyên trong một nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Công nghệ dinh dưỡng Vinco Roots bồi bổ cho đất

ĐBSCL Vinco giới thiệu dòng sản phẩm hữu cơ sinh học Vinco Roots, bổ sung vi lượng giúp cây khỏe và đang chứng minh hiệu quả trên các cánh đồng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.