Xuất nhập khẩu nông sản giảm 11%. Công bố mở cảng cạn Tân Cảng Long Bình. Người dân hiến hàng nghìn mét vuông đất làm đường quy hoạch. Đầu tư hơn 40 tỷ đồng cho các công trình phòng, chống hạn, mặn.
XUẤT KHẨU NÔNG SẢN GIẢM 14%
Theo Bộ NN-PTNT, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm ước đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu ước đạt 9,44 tỷ USD, giảm 7,2%; toàn ngành xuất siêu 1,76 tỷ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm ngoái.Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm, thặng dư thương mại giảm, theo Bộ NN-PTNT, nguyên nhân là do kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại; ảnh hưởng từ xung đột quân sự Nga - Ukraine; tình trạng lạm phát cao tại một số nước trên thế giới. Thêm vào đó, do sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nhiều nước tái xuất khẩu nông sản và tăng cung trên thị trường; trong khi ở trong nước, nhiều doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới năm 2023. Điều này đã được Bộ dự báo trước từ những tháng cuối năm 2022.
CÔNG BỐ MỞ CẢNG CẠN TÂN CẢNG LONG BÌNH
(MINH SÁNG - LÊ BÌNH)
Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn vừa tổ chức sự kiện công bố Cảng cạn Tân Cảng Long Bình, thuộc hệ thông Tân cảng Sài Gòn.Cảng cạn Tân Cảng Long Bình là hệ thống cảng lớn nhất khu vực phía Nam, là mắt xích quan trọng trong hoạt động Logistics, góp phần giảm chi phí vận chuyển, giảm thời gian lưu hàng tại cảng, là điểm thông quan hàng hóa nội địa, bãi chứa container. Tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu thông các cảng cạn của Tân Cảng Long Bình khoảng 4,2 triệu TEU/năm, có khả năng thông quan khoảng 20% - 30% nhu cầu hàng hóa vận tải. Tập trung hạ tầng Logistics quan trọng, đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 69% khối lượng hàng container của cả nước. Ngoài ra, nằm ở thủ phủ công nghiệp của tỉnh Đồng Nai với 32 khu công nghiệp, hơn 17.000 công ty và hơn 2000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu là điều kiện thuận lợi để Tân Cảng Long Bình triển khai các dịch vụ logistics trong tương lai.
NGƯỜI DÂN BÌNH PHƯỚC HIẾN HÀNG NGÀN M2 ĐẤT LÀM ĐƯỜNG QUY HOẠCH
(PHÚC LẬP - LÊ BÌNH)
Những ngày qua, nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đã tình nguyện cắt cây trồng, hiến hàng nghìn mét vuông đất cho nhà nước để làm đường giao thông, thực hiện tuyến đường quy hoạch số 34 (hay còn gọi là đường Hải Thượng Lãn Ông).Tuyến đường 34 có chiều dài 5,6km với hơn 200 hộ dân bị ảnh hưởng.Đến nay, hầu hết người dân đã đồng thuận hiến đất để mở đường giao thông kết nối, phát triển kinh tế và mong dự án sớm được hoàn thành khi nhìn nhận được những lợi ích sẽ được hưởng.
ĐẦU TƯ GẦN 40,5 TỶ ĐỒNG CHO CÁC CÔNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG HẠN, MẶN
UBND tỉnh Hậu Giang vừa triển khai kế hoạch phòng, chống hạn và xâm nhập mặn trên địa bàn năm 2023 với tổng kinh phí đầu tư xây dựng các công trình khoảng 40,5 tỷ đồng.Theo đó, tỉnh sẽ thực hiện 312 công trình cống, đập thời vụ, đập cải tiến và 138 nắp bọng, 47 công trình nạo vét kênh ở vùng bị hạn và xâm nhập mặn.Đối với vùng nguy cơ hạn, tại các hệ thống đê bao, sẽ nâng cấp, sửa chữa các công trình nhằm trữ nước ngọt trên đồng, đắp đập thời vụ, đóng các cửa cống, nạo vét các tuyến nội đồng bị bồi lắng. Đối với vùng nguy cơ mặn, sẽ nâng cấp, tu bổ sửa chữa các công trình ngăn mặn, trữ nước ngọt, đắp đập ngăn mặn thời vụ, đóng các cửa cống, trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân. Vụ lúa hè thu 2023, Hậu Giang có khoảng 100.000ha lúa, 60.000 ha cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản, có nguy cơ bị khô hạn, xâm nhập mặn.